Như Báo Đại biểu Nhân dân đã đưa tin, sáng nay, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn công tác Trung ương đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2023, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 và các năm tiếp theo.
Dư địa phát triển vẫn còn rất lớn
Tại cuộc làm việc, các thành viên Đoàn công tác đã trao đổi, làm rõ một số nội dung kiến nghị của tỉnh Bình Định.
Qua theo dõi tình hình thực tế và Báo cáo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định, phát biểu kết luận cuộc làm việc, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chúc mừng và biểu dương những kết quả mà Bình Định đã đạt được trong hơn nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, góp phần đưa nền kinh tế tiếp tục phục hồi, tăng trưởng, đứng trong tốp dẫn đầu của khu vực.
Bình Định hiện nay đã có những bước phát triển rất quan trọng, diện mạo của thành phố Quy Nhơn đã thay đổi rất nhiều, đời sống của Nhân dân được nâng lên.
Đặc biệt, năm 2023, trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước, nhưng Bình Định đã đạt được những kết quả rất tích cực, tăng trưởng GRDP cao hơn mức kế hoạch đề ra, đạt 7,16%, đứng đầu trong 5 tỉnh của khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch rất tích cực, gia tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ, có thể nói là tích cực hơn so với bình quân cả nước và khu vực.
Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học - công nghệ; các chương trình giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, đào tạo nghề được được triển khai tích cực. Tỷ lệ nghèo hiện đã giảm xuống mức 3,13% là nỗ lực rất lớn của tỉnh.
Nhấn mạnh, thế và lực của tỉnh Bình Định hiện nay đã khác, Chủ tịch Quốc hội cũng đánh giá cao sự đoàn kết, nhất trí, đồng lòng của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Bình Định, sự chia sẻ, cộng đồng trách nhiệm của lãnh đạo chủ chốt và cán bộ các cấp, các ngành trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển của địa phương.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, Bình Định đã vươn lên rất nhanh, nhưng xuất phát điểm thấp, điều kiện còn nhiều khó khăn nên khoảng cách phát triển so với các địa phương khác trong cả nước vẫn còn lớn. Báo cáo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đánh giá rất thẳng thắn, cụ thể, chi tiết về những việc đã làm được, những việc chưa làm được, những việc cần có sự hỗ trợ của Trung ương.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm, tạo điều kiện để vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, trong đó có tỉnh Bình Định phát triển. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 26 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Quốc hội ban hành Nghị quyết số 81/2023/QH15 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đã xác định rất rõ mục tiêu, tầm nhìn phát triển của tỉnh. Theo đó, đến năm 2030, Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, là trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch và văn hóa phía Nam của vùng; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế đồng bộ, hiện đại và dựa trên 5 trụ cột, 3 đột phá và 3 cực phát triển.
Theo Chủ tịch Quốc hội, dư địa phát triển của tỉnh vẫn còn rất lớn. Do đó, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Bình Định cần tiếp tục quyết tâm, quyết liệt hành động, bứt tốc trong những năm tới, không chủ quan, thoả mãn với những kết quả đã đạt được.
Trung ương cần hỗ trợ để Bình Định thực hiện vai trò "trung tâm của vùng"
Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ, điểm rất khác trong Quy hoạch của tỉnh Bình Định so với các tỉnh khác trong khu vực là Bình Định được xác định trở thành trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch và văn hóa phía Nam của vùng.
“Phải nhận thức sâu sắc vấn đề này, với tầm nhìn phát triển như vậy thì các bộ, ngành Trung ương phải hỗ trợ để Bình Định thực hiện được chức năng là trung tâm vùng. Một mặt là trách nhiệm của tỉnh, nhưng một mặt cũng là trách nhiệm của Hội đồng điều phối Vùng và trách nhiệm của Trung ương, cả bộ, ngành, Chính phủ và Quốc hội, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách và phân bổ nguồn lực cho tỉnh”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Chia sẻ với khó khăn của địa phương khi chưa thu hút được các nhà đầu tư chiến lược vào các lĩnh vực ưu tiên đầu tư của tỉnh, song Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, cơ sở hạ tầng cho năng lực sản xuất mới là khá nhiều, trong đó, diện tích đất dành cho công nghiệp, khu công nghiệp, khu kinh tế là khá nhiều so với hai địa phương lân cận là Khánh Hòa, Phú Yên...
Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh Bình Định nỗ lực, phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra; rà soát các nhiệm vụ, các kế hoạch, mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể; đẩy mạnh sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã để chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Đặc biệt, cần khẩn trương triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh, tập trung điều chỉnh, bổ sung, xây dựng các quy hoạch, đề án phát triển các ngành, lĩnh vực phù hợp định hướng phát triển không gian đã được phê duyệt. Phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của Tỉnh, huy động mọi nguồn lực để thúc đẩy 5 trụ cột tăng trưởng; thực hiện hiệu quả 3 khâu đột phá đã được xác định tại Quy hoạch.
Cùng với đó, Bình Định tiếp tục phát triển đồng bộ các lĩnh vực văn hóa - xã hội, giáo dục, y tế; thực hiện tốt công tác an sinh xã hội; triển khai hiệu quả kế hoạch xây dựng nhà ở xã hội đã đề ra.
Bình Định còn là mảnh đất có bề dày văn hóa - lịch sử, truyền thống với nền văn hoá Sa Huỳnh; là nơi phát tích phong trào Tây Sơn, gắn với tên tuổi người Anh hùng kiệt xuất Quang Trung - Nguyễn Huệ. Nơi đây từ lâu được biết đến là miền “đất võ, trời văn” với nhiều loại hình nghệ thuật độc đáo, riêng có và có nhiều điểm du lịch hấp dẫn.
Do đó, theo Chủ tịch Quốc hội, trong phát triển du lịch phải gắn kết chặt chẽ với văn hoá, Quy Nhơn phải trở thành trung tâm văn hóa phía Nam của vùng theo tinh thần Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị, Bình Định phải trở thành điểm đến du lịch đẳng cấp, hiện đại, xanh, an toàn, thân thiện và giàu bản sắc văn hóa.
Dự kiến tại Kỳ họp thứ Năm tới, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hoá và con người. Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh Bình Định, nhất là Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định phải chuẩn bị, đề xuất với Quốc hội.
Năm 2024 cũng là năm bắt đầu triển khai các công việc chuẩn bị Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bình Định chăm lo làm tốt công tác quy hoạch cán bộ cho nhiệm kỳ tới, trong đó có quy hoạch cán bộ cho cơ quan dân cử.
Ghi nhận các kiến nghị, đề xuất của tỉnh Bình Định, Chủ tịch Quốc hội cũng đã trao đổi cụ thể về các vấn đề liên quan đến thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị tỉnh Bình Định phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương đánh giá kỹ lưỡng, xây dựng các phương án rõ ràng, chắc chắn, thuyết phục để báo cáo Chính phủ, Quốc hội.
Với những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, với sự quan tâm, ủng hộ của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội tin tưởng rằng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Bình Định sẽ tiếp tục nêu cao tinh thần và hào khí “Tây Sơn”, phát huy truyền thống đoàn kết, chủ động, sáng tạo cùng với thời cơ và vận hội mới, triển khai thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Trung ương, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025, sớm hiện thực hóa khát vọng, mục tiêu đến năm 2030, Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế; đến năm 2050, là trung tâm kinh tế biển; trung tâm khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; trung tâm du lịch lớn của cả nước.
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã vận động nguồn xã hội hóa kinh phí hỗ trợ tỉnh Bình Định xây dựng 100 căn nhà tình nghĩa với tổng giá trị 5 tỷ đồng.
Tác giả bài viết: daibieunhandan.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn