Bảo đảm quyền lợi người tham gia

Thứ tư - 06/03/2024 15:15

Theo Bộ Y tế, sau 15 năm triển khai thực hiện, Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) đi vào cuộc sống và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng; công tác quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện chính sách BHYT ngày càng được tăng cường… Song, quá trình thực hiện Luật vẫn phát sinh những vướng mắc, bất cập cần được điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn. 

 

Thiếu đồng bộ, thống nhất

Đại diện Vụ BHYT, Bộ Y tế cho biết, sau 15 năm triển khai thực hiện, Luật BHYT đã thực sự đi vào cuộc sống, khẳng định tính đúng đắn, tính phù hợp và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Công tác quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện chính sách BHYT ngày càng được tăng cường; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về BHYT được chú trọng và đã huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị.

Năm 2009 là năm đầu tiên thực hiện Luật BHYT, tỷ lệ bao phủ BHYT là 58% dân số, tăng 11% so với năm 2008. Năm 2015 - năm thực hiện Luật BHYT sửa đổi, bổ sung, số người tham gia BHYT là 68,5 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT là 74,9% dân số. Tính đến hết năm 2023, tổng số người tham gia BHYT đạt 93,628 triệu người, tương ứng tỷ lệ bao phủ 93,35% dân số.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Luật BHYT đã phát sinh những vướng mắc, bất cập, hạn chế cần được điều chỉnh. Đơn cử như một số quy định chưa thống nhất, đồng bộ giữa các Luật Bảo hiểm xã hội và các văn bản hướng dẫn, đặc biệt là về thời hạn hợp đồng lao động tham gia BHYT; xác định hợp đồng lao động làm căn cứ đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp; về tính lãi phạt chậm đóng, quy định chưa thống nhất giữa Luật BHXH và Luật BHYT.

Sửa đổi Luật nhằm bảo đảm quyền lợi BHYT phù hợp với nhu cầu của người dân trong chăm sóc sức khỏe. Nguồn: ITN
Sửa đổi Luật nhằm bảo đảm quyền lợi BHYT phù hợp với nhu cầu của người dân trong chăm sóc sức khỏe. Nguồn: ITN

Hiện nay, Luật Khám bệnh, chữa bệnh mới ban hành năm 2023 quy định 3 cấp chuyên môn kỹ thuật thay cho tuyến chuyên môn kỹ thuật, hạng bệnh viện không còn là căn cứ tính giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Do vậy, cần sửa đổi, điều chỉnh các nội dung liên quan tới chuyên môn kỹ thuật, hạng bệnh viện trong Luật BHYT để đồng bộ với Luật Khám bệnh, chữa bệnh, nhằm bảo đảm quản lý BHYT và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT phù hợp. 

Đại diện Sở Y tế Hà Nội cho rằng, cần làm rõ danh mục các bệnh được khám bệnh, chữa bệnh tại từng cấp (ban đầu, cơ bản, chuyên sâu) nhằm hạn chế vượt cấp chuyên môn kỹ thuật, giảm quá tải cho tuyến trên. Bên cạnh đó, quy định rõ về trình tự, thủ tục, hồ sơ liên quan đến chuyển cấp khám bệnh, chữa bệnh; từ đó tạo thuận lợi cho người dân trong tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế.

Đại diện Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho rằng, cần đánh giá toàn diện tác động của chính sách "Thông tuyến" (bao gồm cả định tính và định lượng, tác động tích cực và tiêu cực) đến các cơ sở y tế của từng cấp, đến người tham gia BHYT, đến quỹ BHYT; từ đó có phương án đề xuất phù hợp với mục tiêu phát triển hệ thống y tế cơ sở, bảo đảm thực chất về chất lượng khám bệnh, chữa bệnh BHYT; nghiên cứu thêm các phương thức thanh toán BHYT phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội mới.

Điều chỉnh mức đóng, cân đối quỹ BHYT

Theo Vụ BHYT (Bộ Y tế), để giải quyết bất cập, vướng mắc phát sinh, cần sửa đổi Luật BHYT theo hướng điều chỉnh mức đóng. Bởi, quy định mức đóng như Luật hiện hành chưa cân đối với mức hưởng và phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT. 

Hiện nay, mức đóng BHYT được xác định theo tỷ lệ phần trăm tiền lương tháng tính đóng bảo hiểm xã hội, lương hưu, trợ cấp thất nghiệp hoặc lương cơ sở tùy nhóm tham gia, hiện bằng 4,5% và tối đa 6%. Vì vậy, Bộ Y tế đang đề xuất bổ sung phương án tăng mức đóng BHYT. Lộ trình nâng mức đóng này theo hướng tăng tỷ lệ đóng từ năm 2025 để đạt tối đa 6% tiền lương cơ sở hoặc lương tháng vào năm 2035.

Phương án đầu tiên là giữ nguyên mức đóng tối đa 6% như hiện nay nhưng đưa lộ trình tăng mức đóng vào Luật sửa đổi. Từ ngày 1.1.2025, tiền đóng tăng lên bằng 5,1% lương tháng tính đóng BHXH của người lao động, trợ cấp thất nghiệp hoặc lương cơ sở. Từ ngày 1.1.2035, mức đóng tăng lên 6% lương tháng của người lao động. Theo đó, lộ trình này làm tăng chi ngân sách nhà nước, doanh nghiệp, hộ gia đình và người lao động.

Phương án thứ hai là mức đóng tối đa được giữ nguyên 6% như Luật hiện hành, song lộ trình nâng với tỷ lệ cao hơn. Từ ngày 1.1.2025, tiền đóng tăng lên 5,4% lương tháng của người lao động, trợ cấp thất nghiệp hoặc lương cơ sở, tùy vào nhóm tham gia. Từ ngày 1.1.2035, mức đóng tăng lên 6%. Phương án này cũng làm tăng chi phí của ngân sách nhà nước, doanh nghiệp, người lao động lẫn hộ gia đình.

Một đề xuất nữa là giữ nguyên quy định hiện hành mức đóng tối đa 6%, chưa tính đến lộ trình tăng nhưng giao Chính phủ quy định khi cần thiết. Phương án này tuy không làm tăng chi phí của xã hội nhưng rất khó để Chính phủ quyết định thời điểm tăng do Luật không quy định. Các cơ sở y tế đối mặt với gánh nặng chi phí trong bối cảnh người khám bệnh, chữa bệnh bằng BHYT tăng, quỹ BHYT có thể mất cân đối thu chi.

Đại diện Vụ BHYT, Bộ Y tế nhấn mạnh, việc sửa đổi trên nhằm bảo đảm quyền lợi BHYT, phù hợp với nhu cầu của người dân trong chăm sóc sức khỏe, phù hợp khả năng chi trả của quỹ BHYT; tăng khả năng trong điều hành và quản lý, sử dụng quỹ BHYT.

Tác giả bài viết: daibieunhandan.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây