Huyện Vân Canh – có nhiều khởi sắc sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 30a//NQ-CP của Chính phủ

Chủ nhật - 05/06/2016 19:10
Vân Canh là một huyện miền núi nằm ở phía Tây Nam tỉnh Bình Định; có tổng diện tích tự nhiên là 80.020,84 ha. Toàn huyện được chia thành 7 đơn vị hành chính; gồm 6 xã và 1 thị trấn; có 48 thôn, làng; trong đó: có 3 xã khu vực II, 4 xã khu vực III và 40 thôn làng đặc biệt khó khăn. Tổng dân cư trên địa bàn huyện là 8.074 hộ, với 28.933 người; trong đó hộ dân tộc thiểu số là 3.079 hộ chiếm 38,13%; với 03 dân tộc đang sinh sống là Kinh, Bana, Chăm và một số đồng bào dân tộc thiểu số từ phía Bắc di cư vào lập nghiệp. Được sự quan tâm hỗ trợ của Chính phủ và các bộ ngành trung ương, huyện Vân Canh được hưởng chính sách hỗ trợ đầu tư từ Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a/NQ-CP của Chính phủ từ năm 2009 đến nay.
Huyện Vân Canh – có nhiều khởi sắc sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 30a//NQ-CP của Chính phủ

Qua hơn 5 năm thực hiệnNghị quyết 30a trên địa bàn huyện đã đạt được mục tiêu đã đề ra. Tính đến cuối năm 2014, Vân Canh còn 3.162 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 39,16% và 1.730 hộ cận nghèo, chiếm 21,43%; bình quân giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2011-2015 là 4,9%. Thu nhập bình quân/người/năm đạt 15,41 triệu đồng. Tốc độ tăng trưởng bình quân 7,8%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tập huấn, huấn luyện đạt 29,99%; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đã được bố trí việc làm đạt 75%.

Ngân sách Trung ương đã hỗ trợ huyện Vân Canh thực hiện Nghị quyết 30a với tổng kinh phí là 225.181 triệu đồng; trong đó: đầu tư phát triển là 155.500 triệu đồng, hỗ trợ sự nghiệp là 49.681 triệu đồng. Ngân sách địa phương đã bố trí thực hiện lồng ghép trên địa bàn huyện với tổng  kinh phí 90.123 triệu đồng, trong đó: đầu tư phát triển 84.836 triệu đồng, vốn hỗ trợ sự nghiệp 5.287 triệu đồng. Ngoài ra, huyện được tổng Tổng công ty Thép Việt Nam, Tập đoàn Nhà nước được Chính phủ phân công về hỗ trợ và cam kết hỗ trợ kinh phí cho huyện 25.700 triệu đồngthực hiện đầu tư vào các lĩnh vực: Nhà ở cho hộ nghèo 957 nhà, kinh phí 14. 355 triệu đồng, hỗ trợ 15 triệu đồng/ nhà; trạm y tế 645 triệu đồng; giáo dục 10 tỷ đồng, nhà văn hóacộng đồng 700 triệu đồng.

Bên cạnh đó, từ các nguồn vốn lồng ghép hỗ trợ thực hiện các chính sách trên địa bàn huyện như Chương trình 134 hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn; Chương trình 135 hỗ trợ xây dựng về đầu tư cơ sở hạ tầng xã, thôn ĐBKK; Chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn; Chính sách định canh, định cư; Vốn giáp ranh Tây Nguyên; Chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng & Chương trình Bảo vệ, phát triển rừng và lồng ghép vốn 30a để khoán chăm sóc bảo vệ rừng; Chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; Chương trình mục tiêu quốc gia về Y tế - Văn hóa - Giáo dục và đào tạo; Chính sách hỗ trợ tiền điện; Chương trình nông thôn mới; Chính sách hỗ trợ miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập;... với tổng kinh phí 191.880.160 triệu đồng.

Việc thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi cho vay hộ nghèo và các chính sách theo Nghị quyết 30a của Chính phủ trên địa bàn huyện đạt hiệu quả. Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện đã thực hiện cho vay với tổng dư nợ đến cuối 2014 là 182.308 triệu đồng/10.202 hộ; trong đó: dư nợ cho vay hộ nghèo: 141.964 triệu đồng /5.222 hộ; dư nợ hộ cận nghèo: 14.094 triệu đồng/619 hộ; dư nợ cho vay xuất khẩu lao động theo Quyết định 71/CP: 289 triệu đồng/7 hộ; dư nợ cho vay hộ nghèo về nhà ở: 16.746 triệu đồng/2.100 hộ; dư nợ cho vay giải quyết việc làm: 10.169 triệu đồng/547 hộ; dư nợ cho vay đồng bào DTTS: 3.842 triệu đồng/662 hộ; dư nợ cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn: 22.204 triệu đồng/1.041 hộ; nước sạch vệ sinh môi trường: 1.617 triệu đồng/218 hộ; Dự án WB3: 15.025 triệu đồng/344 hộ; sản xuất kinh doanh vùng khó khán: 23.419 triệu đồng/904 hộ; thương nhân hoạt động thương mại  391 triệu đồng/14 hộ.

Kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ thông qua khoán chăm sóc, bảo vệ rừng được thực hiện vượt chỉ tiêu (tính đến năm 2014 đã giao 16.729,3ha/14.933,3ha, đạt 112,03%). Chính sách hỗ trợ thông qua khoán chăm sóc, bảo vệ rừng đã triển khai đạt được một số kết quả nhất định, diện tích giao khoán đã được mở rộng, người dân đã được hưởng lợi từ việc giao khoán. Việc lập quy hoạch sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp đã được các xã trên địa bàn các huyện thực hiện; đến nay 6 xã cơ bản hoàn thành việc quy hoạch và thực hiện quy hoạch theo Chương trình Nông thôn mới và đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Việc thực hiện chính sách hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi được quan tâm chú trọng, đã hỗ trợ giống cây trồng cho 9.938 hộ, kinh phí 5.319,65 triệu đồng; hỗ trợ phân bón, thuốc trừ sâu cho 6.965 hộ, kinh phí 2.296,32 triệu đồng; hỗ trợ giống cỏ cho 714 hộ, kinh phí 80 triệu đồng; hỗ trợ bò cái lai 1.377 hộ, kinh phí 15.664,336 triệu đồng; hỗ trợ heo hướng nạc, heo địa phương cho 440 hộ, kinh phí 1.100 triệu đồng. Đến thời điểm hiện nay, nhìn chung các giống cây trồng, vật nuôi đang sinh trưởng và phát triển tốt; một số giống đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con, đáng chú ý nhất là giống keo lai dâm hom, giống lúa, ngô, đậu phụng hỗ trợ các mùa vụ; các loại giống như bò, dê, heo,…đã phát triển và sinh sản góp phần nâng tổng đàn trên địa bàn huyện.

Ngoài ra, huyện đã thực hiện chính sách tăng cường hỗ trợ cán bộ khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư đã hỗ trợ cho 48 khuyến nông viên cơ sở thôn, làng, kinh phí thực hiện 535,8 triệu đồng; thực hiện chính sách khuyến công và phát triển thương mại đã tổ chức hỗ trợ dạy nghề dệt thổ cẩm cho khoảng 150 lao động đồng bào dân tộc thiểu số tại làng Hà Văn Trên xã Canh Thuận; tổ chức dạy nghề thủ công mỹ nghệ từ bẹ chuối khô tại xã Canh Vinh và thị trấn Vân Canh. 

Huyện đã thực hiện khá tốt việc nhân rộng mô hình giảm nghèo, đã xây dựng được 47 mô hình khuyến nông, lâm, ngư với tổng kinh phí là 1.410 triệu đồng từ nguồn hỗ trợ sự nghiệp. Nhiều hộ nghèo tham gia trực tiếp vào các mô hình như: mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi như ngô lai, mía, lúa, mô hình trồng ớt, mô hình vỗ béo bò, nuôi dê, nuôi cá lồng, cải tạo giống heo địa phương, mô hình nuôi heo rừng, mô hình cải tạo vườn tạp ... Các mô hình điển hình nêu trên có tính thuyết phục nông dân tham gia sản xuất và phát triển nhân rộng hiệu quả, góp phần cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo.

Đặc biệt, nhờ việc thực hiện tốt các chính sách, cơ chế đầu tư cơ sở hạ tầng đã làm thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn miền núi; đã đầu tư 108 công trình, trong đó có 80 công trình thuộc CT 30a, với tổng kinh phí 201.110,96 triệu đồng (bao gồm: 30 công trình trường học; 5 công trình bệnh trạm y tế xã đạt tiêu chuẩn, 45 công trình đường giao thông liên thôn và vào khu vực kinh tế, sản xuất tập trung, 7 công trình thủy lợi phục vụ tưới tiêu, 2 công trình điện phục vụ sản xuất và dân sinh, 12 công trình nhà văn hóa xã, thôn, 1 công trình xử lý chất thải, 3 công trình cấp nước sinh hoạt, 1 công trình sân vận động trung tâm huyện và 01 công trình hạ tầng điểm công nghiệp, 01 công trình nâng cấp chợ trung tâm xã.

Bên cạnh những chính sách trên, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ về y tế, chăm sóc sức khỏe; Chính sách hỗ trợ miễn giảm học phí; ... đem lại nhiều kết quả. Nhà nước hỗ trợ mua miễn phí thẻ BHYT cho người nghèo, đồng bào DTTS trên địa bàn huyện (2011-2015) là 74.582 thẻ, trong đó: đồng bào dân tộc thiểu số là 18.400 thẻ. Có thể nói, chính sách BHYT hết sức có ý nghĩa đối với người nghèo, đồng bào DTTS vùng khó khăn và các đối tượng bảo trợ xã hội khác. Chính sách đã thật sự đi vào cuộc sống và có tác động tích cực để giúp chăm lo sức khỏe cho các đối tượng. Đặc biệt là những hộ nghèo có người thân trong gia đình mắc các bệnh nan y, tàn tật thời gian điều trị bệnh kéo dài, khả năng phục hồi lâu, với chính sách BHYT cho các đối tượng này thật sự đã nâng đỡ, giúp họ vượt qua khó khăn trước mắt cũng như lâu dài - đây là chính sách an sinh nhận được sự đồng thuận rất cao trong đời sống xã hội.

 Chính sách hỗ trợ miễn giảm học phí theo Nghị định số 49/2010/NĐ-CP và Nghị định 74/2013/NĐ-CP: Từ năm học 2009-2010, chính sách miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập thực hiện theo Nghị định 49/CP của Chính phủ. Qua 4 năm thực hiện, đã có 18.732 lượt học sinh, sinh viên được hỗ trợ miễn giảm học phí, kinh phí thực hiện 5.805 triệu đồng, có 16.667 lượt trẻ em học mẫu giáo, học sinh phổ thông con hộ nghèo, đồng bào DTTS, nhân dân sinh sống vùng đặc biệt khó khăn được hỗ trợ chi phí học tập 70.000 đồng/tháng/học sinh, kinh phí thực hiện 6.391 triệu đồng.

Chính sách miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị định 49/CP và NĐ 74 của Thủ tướng Chính phủ đã được triển khai có kết quả trên địa bàn. Qua theo dõi từ khi thực hiện chính này, tình hình trẻ em học mẫu giáo đã đi học nhiều hơn, học sinh, sinh viên có đời sống khó khăn sinh sống ở các vùng có điều kiện kinh tế-xã hội ĐBKK đang theo học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học công lập đã có điều kiện và cơ hội tiếp tục được học tập được tốt hơn.

Nhìn chung, các chương trình, dự án được đầu tư trên địa bàn huyện được triển khai thực hiện đồng bộ và mang lại hiệu quả thiết thực nhất định, về cơ bản đảm bảo thực hiện đúng mục đích, nhu cầu, đúng đối tượng quy định, đã góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, công tác giảm nghèo nhanh và bền vững theo nghị quyết đã đề ra. Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn nhất định như: tỷ lệ hộ nghèo có giảm nhưng chưa bền vững, tỷ lệ hộ cận nghèo, tỷ lệ hộ tái nghèo còn cao; số hộ nghèo phát sinh hàng năm nhiều, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khoảng cách giàu nghèo trong các tầng lớp dân cư ngày càng lớn, các biện pháp giảm nghèo chưa được tập trung và hiệu quả chưa cao, việc quản lý điều hành công tác giảm nghèo còn hạn chế, một số hộ nghèo chưa tự vươn lên thoát nghèo, tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước vẫn còn; việc phân bổ nguồn vốn từ chương trình 30a còn thấp, đặc biệt là vốn hỗ trợ phát triển sản xuất chưa đáp ứng nhu cầu thực tế của người nghèo; một số mô hình được đầu tư từ nguồn vốn sự nghiệp nhưng không thể nhân rộng mô hình; sự phối hợp, huy động và lồng ghép các chương trình, dự án và các nguồn lực chưa nhiều, chưa khai thác được nội lực để thực hiện có hiệu quả chương trình, dự án tại địa phương.

Xuất phát từ những khó khăn, hạn chế nêu trên, huyện Vân Canh kiến nghị các ngành, các cấp tiếp tục quan tâm bố trí nguồn kinh phí chi cho hoạt động theo dõi, giám sát, đánh giá thực hiện chương trình Nghị quyết 30a cho địa phương các cấp; có chính sách khuyến khích, ưu tiên cho các doanh nghiệp về hoạt động trên địa bàn huyện nghèo; tổ chức đào tạo, sử dụng lực lượng lao động tại chỗ của địa phương nhằm giải quyết việc làm cho lao động, nhất là đối với lao động con em người dân tộc thiểu số; có chính sách quan tâm hơn nữa đối với hộ mới thoát nghèo, thoát cận nghèo, trong đó tập trung ưu tiên chính sách hỗ trợ về y tế, giáo dục, vay vốn, đào tạo nghề… để đảm bảo thoát nghèo bền vững./.


Hoàng Phát

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây