ĐỂ LUẬT THANH NIÊN ĐI VÀO CUỘC SỐNG CÒN GẶP NHIỀU KHÓ KHĂN, TRỞ NGẠI

Chủ nhật - 05/06/2016 10:11
Vừa qua, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đã tiến hành giám sát “Tình hình thực hiện Luật Thanh niên” theo chỉ đạo của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.
ĐỂ LUẬT THANH NIÊN ĐI VÀO CUỘC SỐNG CÒN GẶP NHIỀU KHÓ KHĂN, TRỞ NGẠI

Bình Định có dân số trên 1,5 triệu người; trong đó có khoảng 321 ngàn thanh niên (TN), chiếm 20,44% dân số. Về cơ cấu dân số TN theo nhóm tuổi từ 15-19 tuổi: 114.914 người, từ 20-24 tuổi: 91.641 người, từ 25-29 tuổi: 103.308 người; trong đó: có 114.565là đoàn viên;13.447đoàn viên hưởng lương; 185.542 hội viên Hội LHTN Việt Nam; thanh niên theo các tôn giáo là 8.248 người; thanh niên là người dân tộc là 12.043 người.

Thanh niên trên địa bàn tỉnh có trình độ học vấn ngày càng cao, tư duy năng động, sáng tạo, có lòng yêu nước, ý thức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN, không ngại khó khăn, gian khổ, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, có trách nhiệm với gia đình, xã hội, có ý chí vươn lên trong học tập, lập thân, lập nghiệp. Đời sống vật chất, tinh thần, thể lực của thanh niên được nâng lên; trình độ nhận thức, kiến thức chuyên môn, khả năng tiếp cận, ứng dụng khoa học công nghệ và tinh thần tự lực vươn lên của thanh niên có bước tiến bộ mới đóng góp ngày càng nhiều vào sự phát triển của tỉnh nhà. Tuy nhiên, có một bộ phận TN ngại tham gia công tác của Đoàn, Hội; thiếu kỹ năng sống, thiếu kiến thức về ngoại ngữ, tin học, chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bên cạnh đó, tình trạng vi phạm pháp luật, những tiêu cực về các tệ nạn xã hội trong thanh niên; ảnh hưởng từ mặt trái của nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế đã có những tác động nhất định đến nhận thức, tư tưởng, tình cảm, lối sống và hành động của thanh niên.Công tác thanh niên vẫn còn hạn chế, một số cấp ủy, chính quyền, ban ngành, đoàn thể chưa quan tâm đúng mức đến thanh niên và công tác thanh niên; công tác chỉ đạo, phối hợp triển khai thực hiện công tác thanh niên còn lúng túng, thiếu đồng bộ. 

Sau khi Luật Thanh niên được Quốc hội khóa XI thông qua và có hiệu lực thi hành; Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2007/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh niên, đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc bảo đảm thực hiện quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của thanh niên; phát huy vai trò, trách nhiệm của thanh niên đối với đất nước và xã hội; góp phần xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, việc ban hành các văn bản hướng dẫn, thể chế hóa các quy định của Luật Thanh niên và Nghị định số 120/2007/NĐ-CP của các bộ, ngành còn chậm, thiếu đồng bộ; khó khăn cho các địa phương khi tổ chức triển khai thực hiện. Mặt khác, Luật Thanh niên giao Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật, Nghị định số 120/2007/NĐ-CP lại giao cho Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam chủ trì phối hợp với các bộ hướng dẫn thi hành Nghị định; hiện nay, Bộ Nội vụ được Chính phủ giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên. Điều này dẫn đến sự chồng chéo nhiệm vụ giữa cơ quan quản lý nhà nước về thanh niên là Bộ Nội vụ và cơ quan tư vấn về công tác thanh niên của Thủ tướng Chính phủ là Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam.

Nhìn chung,những năm qua Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã quan tâm, chỉ đạo kịp thời các cấp, các ngành tạo mọi điều kiện tốt nhất để thanh niên có thể nâng cao trình độ học vấn, nghề nghiệp, trình độ khoa học, công nghệ; đời sống vật chất và tinh thần được nâng cao, sức khoẻ và tình trạng thể chất của thanh niên bước đầu có nhiều tiến bộ tích cực. Đa số thanh niên có khát vọng vượt qua đói nghèo, lạc hậu, xây dựng đất nước theo mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Niềm tin của thanh niên vào sự lãnh đạo của Đảng, vào con đường XHCN được củng cố và tăng cường. Nhiều TN mong muốn được đứng trong hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam để cống hiến và trưởng thành. Tính tích cực xã hội, tinh thần tình nguyện, tính xung kích của thanh niên được nâng cao.

Công tác quản lý nhà nước về thanh niên được cải thiện rõ rệt từ khi Luật Thanh niên được ban hành. Bộ máy quản lý nhà nước (QLNN) về thanh nhiên được kiện toàn, nhờ đó việc triển khai thực hiện công tác QLNN về thanh niênđã được các cấp, các ngành tích cực chủ động triển khai. Công tác Đoàn và phong trào thanh niên được các cấp, các ngành quan tâm; chú trọng công tác giáo dục lý tưởng, đạo đức, công tác hướng nghiệp; dạy nghề và giải quyết việc làm cũng như các hoạt động văn hóa, thể thao. Các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở đã có sự chủ động triển khai xây dựng các kế hoạch triển khai và tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên giai đoạn 2011 - 2020 theo nhiệm vụ cụ thể đã được UBND tỉnh phân công, từ đó đã góp phần nâng cao hiệu quả trong thực hiện các mục tiêu kinh tế xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh. Chính quyền các cấp tạo điều kiện thuận lợi để Đoàn thanh niên, Hội LHTN Việt Nam cùng cấp tham gia xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, góp phần thực hiện có hiệu quả các mục tiêu Chiến lược đề ra.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác triển khai Luật Thanh niên và để Luật Thanh niên đi vào cuộc sống còn gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại. Công tác QLNN về thanh niên ở nhiều địa phương, đơn vị chưa được quan tâm đúng mức;  tính chủ động trong tham mưu về công tác thanh niên còn hạn chế; kinh phí đầu tư cho các chương trình, đề án phát triển thanh niên còn khó khăn, chủ yếu là lồng ghép từ các nguồn kinh phí khác. Kinh phí để đầu tư xây dựng, nâng cấp các thiết chế văn hóa, thể thao tạo sân chơi lành mạnh cho thanh niên còn nhiều hạn chế.

Công tác tuyên truyền phổ biến Luật ở một số đơn vị, địa phương còn thiếu chiều sâu, chỉ tập trung ở một số hoạt động bề nổi và chưa thường xuyên; việc lồng ghép các chỉ tiêu, mục tiêu phát triển thanh niên trong chương trình, kế hoạch của một số sở, ngành và địa phương còn hạn chế. Công tác quy hoạch, đào tạo bồi dương, luân chuyển và thực hiện chính sách đối với cán bộ làm công tác thanh niên chưa thực hiện tốt. Việc hỗ trợ thanh niên đầu tư, phát triển sản xuất còn hạn chế; tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm, thu nhập thấp trong thanh niên còn cao; một bộ phận thanh niên còn có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống,…

Việc lồng ghép các chỉ tiêu phát triển thanh niên vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và chỉ tiêu phát triển của ngành, lĩnh vực chưa nhiều, công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành cũng như công tác triển khai của chính quyền các cấp hiệu quả chưa cao, thiếu biện pháp đôn đốc, kiểm tra, đánh giá, thực hiện việc rút kinh nghiệm chưa thường xuyên, kịp thời. Chính quyền các cấp chưa thường xuyên tổ chức các buổi gặp gỡ, tọa đàm, đối thoại với đoàn viên, thanh niên để nắm bắt tình hình, kịp thời ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ thanh niên đáp ứng các yêu cầu thiết thực gắn với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Công tác hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra trong quá trình thực thi Luật Thanh niên chưa được thực hiện thường xuyên, sâu sát. Việc kiểm tra chuyên đề về công tác thi hành Luật Thanh niên chủ yếu lồng ghép vào các đợt kiểm tra của Tỉnh đoàn. Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện cơ chế, chính sách đối với thanh niên chưa sâu sát do đó nhiều nội dung thực hiện chưa hiệu quả. Công tác sơ kết, tổng kết quá trình tổ chức triển khai thực hiện Luật Thanh niên của các địa phương, đơn vị chưa thực hiện kịp thời.

Nguyên nhân của những khó khăn, hạn chế đó là: Một số quy định của Luật Thanh niên còn chung chung, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thanh niên của Bộ, ngành Trung ương còn chậm, chưa đầy đủ. Luật Thanh niên đã có quy định khá rõ ràng về quyền lợi, nghĩa vụ của TN cũng như các đối tượng có liên quan nhưng chưa có chế tài để xử lý các tổ chức, cá nhân không thực hiện, vì vậy cần bổ sung quy định về chế tài; quy định cụ thể trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan, ban, ngành. Sau gần 10 năm Luật Thanh niên có hiệu lực vẫn chưa có cơ chế kiểm tra, giám sát, vì vậy cần phải khắc phục điều này để việc thực thi Luật được bảo đảm một cách đầy đủ hơn. Nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa đúng và chưa đầy đủ về vai trò, chức năng QLNN về TN, công tác TN; còn có sự nhầm lẫn giữa chức năng QLNN về TN, công tác TN của các cơ quan QLNN với nhiệm vụ, hoạt động của tổ chức Đoàn thanh niên các cấp. Công tác chỉ đạo, phối hợp giữa các ngành có liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ QLNN về thanh niên, công tác thanh niên chưa được chặt chẽ, đồng bộ, còn mang tính hình thức. Đội ngũ báo cáo viên ở cấp huyện và cơ sở ở một số nơi năng lực còn hạn chế, kỹ năng tuyên truyên còn yếu; công tác nắm bắt diễn biến, tư tưởng trong TN chưa kịp thời.

Công tácđào tạo nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên chưa đáp ứng nhu cầu của thanh niên; công tác giải quyết việc làm chưa được quan tâm đúng mức với những khó khăn của nền kinh tế dẫn đến tình trạng thất nghiệp ở độ tuổi thanh niên vẫn còn cao; lĩnh vực xuất khẩu lao động chưa thu hút được nhiều thanh niên tham gia; việc huy động các nguồn lực để đầu tư cho thanh niên phát triển kinh tế còn hạn chế. Chế độ thông tin, báo cáo kết quả thực hiện các nội dung, nhiệm vụ liên quan đến công tác QLNN về thanh niên chưa được quan tâm, thực hiện; một số cơ quan, đơn vị, địa phương đã giao cho Đoàn Thanh niên thực hiện báo cáo nên chất lượng báo cáo thấp, chủ yếu tập trung báo cáo công tác phát triển ĐVTN của cơ quan, đơn vị thay vì báo cáo công tác QLNN về thanh niên, phát triển thanh niên theo phạm vi, thẩm quyền được giao. Đội ngũ công chức được giao nhiệm vụ trực tiếp tham mưu, theo dõi thực hiện nhiệm vụ QLNN về thanh niên của các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ yếu là công chức trẻ, kiêm cán bộ Đoàn thanh niên, mà không gắn với chức năng tham mưu thực hiện nhiệm vụ QLNN về thanh niên; do đó, công tác tham mưu, đề xuất xây dựng văn bản liên quan đến công tác QLNN về thanh niên còn nhiều hạn chế.

Xuất phát từ thực tế khảo sát,Ban Văn hóa - Xã hội kiến nghị Quốc Hội tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về Thanh niên; sớm sửa đổi, bổ sung Luật Thanh niên phù hợp với tình hình hiện nay; bổ sung chế tài xử lý và bổ sung cơ chế kiểm tra, giám sát việc thi hành Luật Thanh niên; Luật cần phân định rõ vai trò quản lý nhà nước về công tác thanh niên của các cơ quan nhà nước và hoạt động của Đoàn thanh niên các cấp. Đề nghị Chính phủ có giải pháp quyết liệt chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương sớm triển khai các đề án, dự án, chính sách đối với thanh niên đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 2474/QĐ-TTg ngày 30/12/2011 về Phê duyệt Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011-2020; chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương quan tâm, tạo điều kiện bổ sung kinh phí cho tỉnh để đầu tư xây dựng, nâng cấp các thiết chế văn hóa, thể thao cho thanh niên, đặc biệt là tại các địa phương ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; quan tâm xây dựng, hoàn thiện và triển khai các chính sách đối với thanh niên trên một số lĩnh vực: dạy nghề, giải quyết việc làm, chính sách thu hút, đãi ngộ thanh niên tài năng, thanh niên tình nguyện về công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Kiến nghị UBND tỉnhtiếp tục quán triệt để nâng cao nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền địa phương đối với Luật Thanh niên; quan tâm đúng mức đến thanh niên và công tác thanh niên. Tăng cường chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh phối hợp đồng bộ trong thực hiện công tác thanh niên; đặc biệt triển khai thực hiện tốt Chương trình phát triển thanh niên Bình Định đến năm 2020; lồng ghép các nguồn kinh phí, chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn kinh phí Trung ương hỗ trợ, các chương trình dự án có liên quan để triển khai thực hiện Chương trình phát triển thanh niên của tỉnh đạt hiệu quả. Tiếp tục chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành hỗ trợ nguồn lực và tạo điều kiện về kinh phí trong việc triển khai và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch của tỉnh. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, quá trình thực thi Luật Thanh niên đảm bảo hiệu quả. Cần tập trung đầu tư, chỉ đạo xây dựng các mô hình điểm, sơ kết, tổng kết quá trình tổ chức triển khai thực hiện Luật Thanh niên để rút kinh nghiệm và nhân rộng kịp thời. Tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn về quản lý nhà nước về thanh niên và công tác thanh niên cho công chức phụ trách công tác thanh niên của Phòng Nội vụ và công chức tham mưu về công tác này tại các cơ quan, đơn vị, địa phương; tổ chức các lớp bồi dưỡng dành cho các báo cáo viên, tuyên truyền viên thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật liên quan đến thanh niên;bổ sung tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền Luật Thanh niên.Tổ chức các cuộc thi sáng tạo cấp tỉnh nhằm phát huy trí tuệ, tài năng và sức sáng tạo của thanh niên, cũng như để thanh niên các địa phương học hỏi lẫn nhau./.


Huỳnh Thúy Vân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây