Không đùn đẩy, né tránh, phải trách nhiệm, sâu sát hơn nữa để hoàn thành các chỉ tiêu phát triển KT-XH

Thứ sáu - 15/03/2024 17:06

Tiếp tục Chương trình kỳ họp lần thứ 15 (kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh khóa XIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026, sáng 15.3, sau khi đại diện các sở, ngành, các Ban HĐND tỉnh trình bày các báo cáo, tờ trình, các đại biểu đã tham gia phiên thảo luận chung tại Hội trường.

Các đại biểu HĐND tỉnh đã phát biểu chất vấn tập trung làm rõ nguyên nhân các chỉ tiêu thực hiện không đạt trong năm 2023, các giải pháp, kế hoạch thực hiện trong năm 2024. Đại diện lãnh đạo các Sở KH&ĐT, Sở LĐ-TB&XH, Cục Thuế tỉnh đã phát biểu giải trình ý kiến của các đại biểu.

 

Quang cảnh phiên họp thảo luận chung tại hội trường.

3 chỉ tiêu không đạt

Báo cáo bổ sung tình hình thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2023 và tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công, giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 31.1.2024, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh cho biết: Qua rà soát, hầu hết chỉ tiêu KT-XH chủ yếu đều giữ nguyên như số liệu UBND tỉnh đã báo cáo HĐND tỉnh tại kỳ họp HĐND tỉnh cuối năm 2023.

Tuy nhiên, có 3 số liệu có sự thay đổi so với số liệu đã báo cáo, đó là: Chỉ tiêu “tổng thu ngân sách trên địa bàn”, “giảm tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới” và “tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công”.

Về chỉ tiêu “tổng thu ngân sách trên địa bàn”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh cho hay, báo cáo tại kỳ họp HĐND tỉnh cuối năm 2023, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh trong năm ước đạt 13.828 tỷ đồng, vượt 1,3% dự toán năm và bằng 88% so với cùng kỳ.

 

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh trình bày tóm tắt báo cáo bổ sung tình hình thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2023.

Trong đó, thu nội địa (trừ tiền sử dụng đất; xổ số kiến thiết; thu cổ tức, lợi nhuận được chia và lợi nhuận còn lại) là 7.500 tỷ đồng, vượt 8,2% dự toán năm, tăng 5,1% so với cùng kỳ; thu tiền sử dụng đất là 5.600 tỷ đồng, vượt 1,8% dự toán năm, bằng 84,9% so với cùng kỳ; thu xuất nhập khẩu là 430 tỷ đồng, đạt 43% dự toán năm, bằng 51,3% so với cùng kỳ.

 

Giám đốc Sở Nội vụ Lê Minh Tuấn giải trình các vấn đề liên quan đến biên chế giáo viên cho các trường mầm non và phổ thông công lập.

Qua rà soát, đến hết niên độ ngân sách nhà nước năm 2023, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh thực hiện 12.762 tỷ đồng, đạt 93,5% dự toán HĐND tỉnh giao và bằng 81,2% so với cùng kỳ.

 

Đại biểu Đặng Mạnh Cường (TP Quy Nhơn) đề nghị xem xét bổ sung các mỏ đất vào quy hoạch sử dụng đất hằng năm đảm bảo và giao chỉ tiêu cụ thể giảm nghèo cho từng địa phương.

Thu nội địa (trừ tiền sử dụng đất; xổ số kiến thiết; thu cổ tức, lợi nhuận được chia và lợi nhuận còn lại) là hơn 7.001 tỷ đồng, đạt 101% dự toán, bằng 98,2% so với cùng kỳ; thu tiền sử dụng đất là 4.954,1 tỷ đồng, đạt 90,1% dự toán, bằng 75,1% so với cùng kỳ; thu xuất nhập khẩu là 508,5 tỷ đồng, đạt 50,8% dự toán năm, bằng 60,7% so với cùng kỳ.

“Như vậy, so với số liệu đã báo cáo tại kỳ họp HĐND tỉnh cuối năm 2023 (ước cả năm 2023), tổng thu ngân sách nhà nước năm 2023 sau rà soát thấp hơn 1.066 tỷ đồng. Trong đó, thu nội địa (trừ tiền sử dụng đất; xổ số kiến thiết; thu cổ tức, lợi nhuận được chia và lợi nhuận còn lại) thấp hơn 448,8 tỷ đồng; thu tiền sử dụng đất thấp hơn 645,9 tỷ đồng và thu xuất nhập khẩu cao hơn 78,5 tỷ đồng”, ông Nguyễn Tuấn Thanh nói.

Theo lý giải của ông Nguyễn Tuấn Thanh thì có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2023 thực hiện không đạt chỉ tiêu HĐND tỉnh giao. Trong đó, có việc thu tiền sử dụng đất năm 2023 không đạt kế hoạch, do thị trường bất động sản trong năm gặp nhiều khó khăn từ việc siết chặt tín dụng đối với bất động sản nên các nhà đầu tư khó tiếp cận nguồn vốn vay để đầu tư, đặc biệt là các DN bất động sản lớn và có sức ảnh hưởng đến thị trường cũng gặp nhiều khó khăn.

 

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh giải trình các vấn đề liên quan đến thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh cho biết, về chỉ tiêu “giảm tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới”, báo cáo tại kỳ họp HĐND tỉnh cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới giảm 2,53% (kế hoạch năm 2023 là giảm 1,8%).

Qua kết quả rà soát, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều năm 2023 giảm 1,37%, không đạt kế hoạch đề ra. Nguyên nhân tỷ lệ hộ nghèo đa chiều năm 2023 chưa đạt kế hoạch chủ yếu là do một số hộ nghèo không có điều kiện và khả năng để tự thoát nghèo (không có đất sản xuất, không có vốn sản xuất kinh doanh, không có công cụ, phương tiện sản xuất, ốm đau bệnh tật…). Một bộ phận người dân chưa yên tâm khi thoát nghèo, còn tư tưởng muốn tiếp tục được hưởng các chính sách, chế độ hỗ trợ của Đảng, Nhà nước. Cách tiếp cận giảm nghèo chưa khoa học, chưa sát thực tiễn, công tác giảm nghèo thiếu cụ thể và chưa có sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả giữa các ngành, các địa phương.

 

Bà Huỳnh Thị Ngọc Hà - Trưởng ban Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh tham gia góp ý về công tác giảm nghèo.

Để hoàn thành kế hoạch giảm nghèo năm 2024, quyết tâm giảm tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới là 2% theo Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra, UBND tỉnh đã chỉ đạo tổng rà soát lại số liệu về hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh, phân tích, phân loại theo các tiêu chí thiếu hụt theo quy định. Chỉ rõ nguyên nhân và đưa ra giải pháp cụ thể cho từng nhóm đối tượng…

 

Giám đốc Sở LĐTB&XH Đỗ Thị Diệu Hạnh giải trình các vấn đề liên quan đến công tác giảm nghèo.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh cho biết, về giải ngân vốn đầu tư công, báo cáo tại kỳ họp HĐND tỉnh cuối năm 2023, giá trị giải ngân vốn đầu tư công do tỉnh quản lý đến 25.11.2023 là 7.192,1 tỷ đồng, đạt 74,65% kế hoạch HĐND tỉnh giao.

Qua rà soát số liệu đến ngày 31.1.2024, giá trị giải ngân vốn đầu tư công do tỉnh quản lý là 8.096,1/9.656,5 tỷ đồng, đạt 83,84% kế hoạch HĐND tỉnh giao. Nguyên nhân chính giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt là do việc hụt thu tiền sử dụng đất (hụt thu 1.443,44 tỷ đồng) là nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ giải ngân của nguồn vốn này chỉ đạt 73,66% kế hoạch được giao. Trong khi nguồn thu tiền sử dụng đất chiếm tỷ trọng gần 60% trong tổng cơ cấu vốn đầu tư công năm 2023 do tỉnh quản lý. Một số địa phương triển khai thực hiện giải ngân 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) năm 2023 còn chậm, làm ảnh hưởng chung đến tiến độ giải ngân các Chương trình MTQG nói riêng (đạt 90,7%) và giải ngân vốn đầu tư công.

 

Ông Lê Hoàng Nghi - Giám đốc Sở KH&ĐT giải trình các vấn đề liên quan đến công tác giải ngân vốn đầu tư công.

Rà soát cụ thể từng tiêu chí, có giải pháp phù hợp

Tham gia phát biểu giải trình tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn làm rõ các nguyên nhân dẫn đến việc thực hiện không đạt các chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh giao trong thực hiện thu ngân sách, giảm tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới và giải ngân vốn đầu tư công.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn, trên cơ sở phân tích khách quan, toàn diện các nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến việc thực hiện không đạt các chỉ tiêu trong năm 2023, UBND tỉnh sẽ có các giải pháp cụ thể, khả thi, đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu mà Nghị quyết HĐND tỉnh đã đề ra trong năm 2024.

“Về thu ngân sách tại kỳ họp HĐND cuối năm 2023, về khoản thu nội địa thì chúng tôi khẳng định sẽ đạt được, duy nhất thu tiền sử dụng đất thì mong manh. Tại thời điểm báo cáo, tất cả DN kinh doanh bất động sản đều cam kết sẽ nộp đảm bảo kế hoạch nhưng đến cuối thì không thực hiện được, dẫn đến nguồn thu này bị hụt”, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn lý giải.

 

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn phát biểu làm rõ các nguyên nhân dẫn đến việc thực hiện không đạt các chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh giao trong thực hiện thu ngân sách, giảm tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới và giải ngân vốn đầu tư công.

Về chỉ tiêu giảm hộ nghèo, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết đã rà soát rất kỹ tại 11 địa phương, chi tiết đến từng hộ gia đình. Phân loại tách riêng từng nhóm hộ, phân tích nguyên nhân cụ thể để có biện pháp giảm nghèo phù hợp.

Về giải ngân vốn đầu tư công, theo giải trình của người đứng đầu chính quyền tỉnh, tỉ lệ giải ngân không hoàn thành trên số vốn đăng ký nguyên nhân là do thu tiền sử dụng đất bị thiếu hụt. “Về thu tiền sử dụng đất năm 2024, dự kiến nếu như thuận lợi sẽ đảm bảo đầu tư trong năm 2024, vừa bù lại các khoản hụt của năm 2022 và 2023”.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn, tín hiệu đáng mừng là trong 2 tháng đầu năm 2024, hầu hết chỉ tiêu về phát triển KT-XH của tỉnh đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Đây là tiền đề quan trọng để tỉnh tăng tốc thực hiện các chỉ tiêu trong cả năm.

Phải trách nhiệm, tích cực hơn nữa

Phát biểu kết luận phiên thảo luận chung tại Hội trường, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Quốc Dũng cho biết, Kỳ họp chuyên đề này nhằm giải quyết những vấn đề cấp thiết, bức xúc cần phải triển khai theo yêu cầu của UBND tỉnh. Quan điểm của HĐND tỉnh là luôn đồng hành với UBND tỉnh và xác định những việc gì cần là phải họp để giải quyết.

Với 3 vấn đề nêu trong báo cáo bổ sung tình hình thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2023, việc tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2023 thực hiện không đạt chỉ tiêu HĐND tỉnh giao, trong đó có việc thu tiền sử dụng đất năm 2023 không đạt kế hoạch theo đồng chí Bí thư Tỉnh ủy là điều “không bình thường”. Và việc thu ngân sách giảm nguyên nhân chủ yếu vẫn là do chủ quan chứ không phải khách quan.

 “Gần đây, có tình trạng lãnh đạo các sở, ngành có biểu hiện đùn đẩy, né tránh. Đẩy trách nhiệm lên cho lãnh đạo tỉnh. Vì sao đất ở TP Quy Nhơn vẫn bán được bình thường, thu vượt còn của tỉnh thì thu không đạt. Vậy thì trách nhiệm ở chỗ nào? Cực chẳng đã chúng ta mới cắt giảm các danh mục chi. Trong đó có nhiều công trình dự án mang tính cấp thiết: Đầu tư các trạm y tế; giáo dục cần nâng cấp trường, lớp cho học sinh; đê kè xuống cấp cần nâng cấp...”, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy dẫn chứng.

 

Kết luận phiên làm việc chung tại Hội trường, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Quốc Dũng yêu cầu các sở, ngành không đùn đẩy, né tránh, phải trách nhiệm, sâu sát hơn nữa để hoàn thành các chỉ tiêu phát triển KT-XH.

Từ thực trạng này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các sở, ngành phải có trách nhiệm, tích cực vào cuộc thực hiện hơn nữa trong công tác thu ngân sách. Bởi lãnh đạo UBND tỉnh có “trăm tay nghìn mắt” cũng không thể tự giải quyết hết được.

Đối với vấn đề tỷ lệ hộ nghèo đa chiều năm 2023 giảm 1,37%, không đạt kế hoạch đề ra, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho biết sắp tới Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ gắn trách nhiệm trong công tác này với các đồng chí Bí thư huyện, thị xã, thành phố. “Chúng ta phải đặt quyết tâm đến năm 2025 tỉ lệ hộ nghèo của tỉnh phải thấp hơn mức bình quân chung của cả nước. Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc trong công tác này, từ quyết tâm trên sẽ phân bổ chỉ tiêu về cho các địa phương. Nơi nào thực hiện không đạt, lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm. UBND tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể từng năm”, đồng chí Hồ Quốc Dũng chỉ đạo.

Liên quan đến vấn đề đầu tư công, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy lưu ý các địa phương thực hiện quyết liệt hơn nữa công tác giải phóng mặt bằng.

Tác giả bài viết: baobinhdinh.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây