Quy trình, thủ tục, nội quy hoạt động của HĐND: Thực trạng và giải pháp

Thứ tư - 12/04/2023 11:37
Thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và các quy định của pháp luật có liên quan; ngay từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thường trực HĐND tỉnh đã cụ thể hóa các quy định của pháp luật và ban hành 17 quy chế, quy trình, nội quy để làm cơ sở triển khai, thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo luật định; đồng thời, tiếp tục cải tiến nội dung, đổi mới cách thức hoạt động đảm bảo chất lượng và hiệu quả.
Trước hết, có thể nói, nhờ các quy chế, quy định, quy trình, thủ tục, nội quy mà Thường trực HĐND ban hành đã góp phần khắc phục các tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong quá trình hoạt động, tiêu biểu nhất là qua triển khai “Quy trình tiếp nhận đề nghị xây dựng và ban hành nghị quyết của HĐND tỉnh thuộc văn bản quy phạm pháp luậtvà “Quy trình thẩm tra của các Ban đối với các dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án, tờ trình trình tại kỳ họp HĐND tỉnh” cơ bản đã khắc phục được tình trạng chậm trễ trong việc gửi dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án, tờ trình trình tại kỳ họp; các Ban HĐND tỉnh có nhiều thời gian nghiên cứu tài liệu và tổ chức khảo sát thực tế để có cơ sở thẩm tra tốt hơn. Nhờ đó, đa số báo cáo thẩm tra của các Ban đạt chất lượng, có tính phản biện cao, được đại biểu HĐND tỉnh đồng tình, đánh giá cao và xem đây là cơ sở quan trọng để đại biểu thảo luận, đi đến biểu quyết thông qua các nghị quyết, góp phần đưa nghị quyết sớm đi vào cuộc sống.
Ngoài ra, trên cơ sở Nghị quyết về Chương trình hoạt động toàn khóa của  HĐND tỉnh; UBND tỉnh và các sở, ngành hữu quan đã chủ động đăng ký đề nghị xây dựng và ban hành nghị quyết gửi Thường trực HĐND phân công các Ban thẩm tra trước một bước, hạn chế tối đa việc dự thảo nghị quyết được xây dựng nhưng không đủ cơ sở pháp lý. Đồng thời, khi UBND tỉnh thực hiện tốt việc “đề nghị xây dựng và ban hành nghị quyết” và khi các Ban HĐND tỉnh thẩm tra kỹ về căn cứ pháp lý, sự cần thiết ban hành nghị quyết thì các cơ quan chủ trì xây dựng dự thảo nghị quyết có cơ sở thực hiện đúng theo quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật và có đủ thời gian để lấy ý kiến của các đối tượng thụ hưởng chính sách để khi nghị quyết được HĐND tỉnh thông qua sẽ đảm bảo tính khả thi hơn.
Thứ hai, giám sát là một trong hai chức năng cơ bản, quan trọng của HĐND. Thực hiện Quy trình giám sát chuyên đề của Thường trực HĐND, các Ban HĐND; đặc biệt là Nghị quyết của Ban Thường vụ Quốc hội về “Hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND”; thời gian qua, Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh luôn quan tâm, chú trọng triển khai, thực hiện chức năng giám sát đảm bảo theo quy định của pháp luật; đã có nhiều đổi mới trong tổ chức thực hiện công tác giám sát nhằm đạt chất lượng, hiệu quả; nhất là chú trọng hoạt động giám sát chuyên đề, nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, tổ chức tốt các phiên giải trình tại phiên họp của Thường trực HĐND tỉnh với nội dung chất vấn phong phú, có trọng tâm, trọng điểm, tạo điều kiện để lãnh đạo UBND tỉnh, thủ trưởng các sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh giải trình cụ thể, có trách nhiệm các nội dung có liên quan theo thẩm quyền, được cử tri và nhân dân đánh giá cao. Qua giám sát, Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh đã xem xét đánh giá đúng thực trạng, những tồn tại, hạn chế, phân tích kỹ các nguyên nhân (khách quan, chủ quan) để các cơ quan, đơn vị, địa phương được giám sát kịp thời khắc phục, tổ chức thực hiện các nghị quyết, chủ trương, chính sách, pháp luật của Trung ương và địa phương đạt kết quả tốt hơn; đa số các kiến nghị của đoàn giám sát đều được các đối tượng chịu sự giám sát tiếp thu, có giải pháp khắc phục.
Thứ ba, qua thực hiện Quy trình xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân gửi đến Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh” nên việc tiếp nhận và xử lý đơn thư được thực hiện nghiêm túc, ngày càng đi vào nề nếp. Thường trực HĐND tỉnh đã chỉ đạo Ban Pháp chế HĐND tỉnh phối hợp cùng Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh theo dõi, tiếp nhận, phân loại đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân và chuyển đến các cơ quan, đơn vị, địa phương xem xét, giải quyết theo thẩm quyền. Qua đó, hầu hết các đơn thư chuyển đến các ngành, các cấp có liên quan đều được xem xét, giải quyết và báo cáo kết quả về cho Thường trực HĐND tỉnh để giám sát theo quy định. Đối với những đơn thư quá hạn giải quyết, Thường trực HĐND tỉnh kịp thời có văn bản chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan giải quyết theo quy định của pháp luật.

Nhìn chung, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh luôn quan tâm, chú trọng thực hiện chức năng, nhiệm vụ đảm bảo theo quy định của pháp luật; có nhiều đổi mới về nội dung, cách thức nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động, góp phần khẳng định vị thế là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, còn một số tồn tại, hạn chế đó là: Mặc dù đã có “Quy trình tiếp nhận đề nghị xây dựng và ban hành nghị quyết của HĐND tỉnh thuộc văn bản quy phạm pháp luậtnhưng UBND tỉnh đề nghị xây dựng và ban hành nghị quyết số lượng còn ít, chưa đầy đủ; công tác phối hợp chuẩn bị nội dung trình tại kỳ họp tuy được quan tâm chỉ đạo thực hiện nhưng vẫn còn một số nội dung UBND tỉnh gửi chậm, một số hồ sơ dự thảo nghị quyết chưa đảm bảo theo quy định; nội dung trình kỳ họp còn thay đổi và bổ sung nhiều so với dự kiến, làm các Ban bị động trong công tác thẩm tra. Việc kiểm tra, đôn đốc thực hiện kết luận sau giám sát, khảo sát và giám sát các văn bản quy phạm pháp luật do UBND cùng cấp và HĐND cấp dưới chưa thường xuyên; trách nhiệm của một số đại biểu trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ còn hạn chế. Hoạt động giám sát, nhất là giám sát chuyên đề, giám sát việc giải quyết các kiến nghị của cử tri của các Tổ đại biểu HĐND tỉnh còn hạn chế.
Để tiếp tục thực hiện tốt các quy trình, thủ tục, nội quy đã ban hành; đồng thời, khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên và góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND trong thời gian tới, Thường trực HĐND tỉnh đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
1. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị và tổ chức kỳ họp HĐND tỉnh; nhất là thực hiện tốt Quy trình tiếp nhận đề nghị xây dựng và ban hành nghị quyết của HĐND tỉnh thuộc văn bản quy phạm pháp luậtvà “Quy trình thẩm tra của các Ban đối với các dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án, tờ trình trình tại kỳ họp HĐND tỉnh”.
2. Chỉ đạo các Ban của HĐND tỉnh tích cực tiếp cận nghiên cứu các dự thảo nghị quyết ngay từ khi xác định được danh mục các nghị quyết; chú trọng khảo sát thực tế để có cơ sở thẩm tra đạt chất lượng. Phát huy tính chủ động của các Ban HĐND tỉnh trong phản biện, thể hiện quan điểm, chính kiến và đề xuất phương án xử lý đối với những nội dung còn có nhiều ý kiến khác nhau làm cơ sở để HĐND tỉnh thảo luận và quyết nghị, phát huy hiệu quả của các chính sách, tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
3. Tăng cường công tác giám sát của Thường trực HĐND, các Ban HĐND, Tổ đại biểu HĐND tỉnh, nhất là các nghị quyết về cơ chế, chính sách để đảm bảo nghị quyết đi vào cuộc sống, có tính khả thi và đạt hiệu quả cao; chú trọng giám sát việc triển khai thực hiện các kiến nghị cử tri, kết luận của Chủ tọa tại các kỳ họp, phiên họp; giám sát việc giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân. Qua đó, lựa chọn các nội dung quan trọng, còn nhiều tồn tại, hạn chế, vướng mắc, dư luận xã hội quan tâm để yêu cầu thủ trưởng các cơ quan chuyên môn báo cáo, giải trình tại các phiên chất vấn, giải trình của Thường trực HĐND tỉnh và tại các kỳ họp HĐND tỉnh.
 4. Đôn đốc các đại biểu HĐND tỉnh không ngừng nâng cao trình độ, tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng hoạt động, bản lĩnh của người đại biểu dân cử, gắn bó mật thiết với cử tri và Nhân dân. Tiếp tục phát huy tinh thần “chủ động, sáng tạo và linh hoạt”, tâm huyết, trách nhiệm, quyết tâm, quyết liệt, nói đi đôi với làm, đúng vai thuộc bài, nắm chắc chuyên môn, nghiệp vụ.
5. Chỉ đạo việc chuẩn bị và tổ chức tốt các phiên giải trình, chất vấn của Thường trực HĐND tỉnh, qua đó giúp cơ quan có thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ được tốt hơn, giúp các đại biểu và các cơ quan chức năng có thêm thông tin phục vụ cho việc thẩm tra, ban hành nghị quyết quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương, góp phần nâng cao vị thế, vai trò, trách nhiệm của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND tỉnh, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh./.

                                                                                                                      Hoàng Phát

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây