HĐND TỈNH BÌNH ĐÌNH: Với nhiều đổi mới về nội dung và cách thức tổ chức thực hiện, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động.
Thứ tư - 12/04/2023 11:02
Như chúng ta đã biết, hiệu quả hoạt động của HĐND được bảo đảm bằng hiệu quả của các kỳ họp HĐND và hiệu quả hoạt động của Thường trực HĐND, các Ban HĐND và đại biểu HĐND tỉnh. Chính vì vậy, để nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND, thời gian qua Thường trực HĐND tỉnh đã tích cực triển khai, thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ theo luật định; đồng thời, có nhiều đổi mới về nội dung và cách thức tổ chức thực hiện, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động.
Thứ nhất, HĐND tỉnh đã đổi mới một số nội dung, cách thức tổ chức hoạt động nhằm nâng cao chất lượng các kỳ họp của HĐND tỉnh; chẳng hạn như tiến hành cải tiến hình thức thông qua nghị quyết bằng cách lấy ý kiến biểu quyết bằng phiếu (khoảng 50% so với tổng số nghị quyết trình kỳ họp) nhằm phát huy trách nhiệm của người đại biểu dân cử trong việc nghiên cứu, tham gia, góp ý trực tiếp vào các nghị quyết; đồng thời, dành thời gian cho các phiên thảo luận, chất vấn nhiều hơn. Trong năm 2022, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức thành công 05 kỳ họp (bao gồm: 02 kỳ họp thường lệ và 03 kỳ họp chuyên đề); ban hành 115 Nghị quyết (trong đó, lĩnh vực Kinh tế - Ngân sách có 75 Nghị quyết, lĩnh vực Văn hóa - Xã hội có 18 Nghị quyết, lĩnh vực khác có 22 Nghị quyết).
Thứ hai, thực hiện Chương trình giám sát năm 2022, Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh đã tổ chức giám sát 10 chuyên đề trên các lĩnh vực: đầu tư công, đất đai, tài nguyên khoáng sản, chế độ, chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và an sinh xã hội,... Qua đó, Thường trực HĐND tỉnh đã chỉ đạo, điều hòa hoạt động giám sát chuyên đề của các Ban HĐND tỉnh theo hướng đổi mới, nâng cao chất lượng, phù hợp với tình hình của địa phương, hạn chế sự trùng lặp, chồng chéo nội dung, thời gian, đơn vị chịu sự giám sát; giảm số lượng các cuộc giám sát trực tiếp, tăng cường khảo sát thực địa. Nội dung giám sát được Thường trực, các Ban HĐND tỉnh lựa chọn có trọng tâm, trọng điểm; báo cáo kết quả giám sát thể hiện rõ quan điểm của Đoàn giám sát, chỉ rõ tồn tại, vướng mắc và trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân; các kiến nghị, đề xuất sau giám sát đảm bảo quy định của pháp luật và phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.
Thứ ba, để có cơ sở giám sát, xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát; HĐND tỉnh đã thông qua các Nghị quyết về giám sát chuyên đề. Qua đó, yêu cầu UBND tỉnh có trách nhiệm triển khai, thực hiện Nghị quyết, thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các kiến nghị của các Đoàn giám sát và báo cáo kết quả với HĐND tỉnh tại Kỳ họp thường lệ cuối năm. Điển hình như: (1) Nghị quyết kết quả giám sát về “Tình hình tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến bồi thường, giải tỏa, cấp đất tái định cư để thu hồi đất thực hiện các Dự án tại Trung tâm phát triển quỹ đất trực thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường và Ban Giải phóng mặt bằng tỉnh Bình Định từ năm 2016-2021”. (2) Nghị quyết kết quả giám sát về “Tình hình thực hiện chính sách phát triển giáo dục đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Bình Định, giai đoạn 2019-2021”. (3) Nghị quyết kết quả giám sát về việc “Thực hiện công tác quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh từ năm 2019-2021”. (4) Nghị quyết kết quả giám sát về “Tình hình quản lý, cấp phép khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2021”.
Thứ tư, trên cơ sở các quy định của pháp luật, Thường trực HĐND tỉnh đã cụ thể hóa và ban hành 17 quy chế, quy trình... để làm cơ sở triển khai, thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo luật định; góp phần cải tiến nội dung, đổi mới cách thức hoạt động đảm bảo chất lượng và hiệu quả. Tiêu biểu như: (1) Quy trình tiếp nhận đề nghị xây dựng và ban hành nghị quyết của HĐND tỉnh thuộc văn bản quy phạm pháp luật; (2) Quy trình thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh đối với các dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án, tờ trình trình tại kỳ họp HĐND tỉnh; (3) Quy trình giám sát chuyên đề của Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh; (4) Quy trình xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân gửi đến Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh; (5) Quy trình thỏa thuận của Thường trực HĐND tỉnh với UBND tỉnh trong thời gian giữa hai kỳ họp đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của Thường trực HĐND tỉnh theo quy định của pháp luật; … Có thể nói, nhờ các quy chế, quy trình, thủ tục đó đã góp phần khắc phục các tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong quá trình hoạt động, rõ nhất là đã khắc phục được tình trạng chậm trễ trong việc gửi dự thảo nghị quyết, tờ trình trình tại kỳ họp; theo đó, các Ban HĐND tỉnh có nhiều thời gian nghiên cứu tài liệu và tổ chức khảo sát thực tế để có cơ sở thẩm tra tốt hơn.
Thứ năm, nhằm tăng cường giám sát việc triển khai, thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh đã yêu cầu UBND tỉnh tiến hành sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện 17 nghị quyết của HĐND tỉnh (nhất là các nghị quyết về cơ chế, chính sách). Thông qua đó, đánh giá trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc tổ chức triển khai, thực hiện Nghị quyết HĐND tỉnh; đồng thời, yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc và tổ chức thực hiện nghị quyết đạt hiệu quả hơn.
Thứ sáu, Thường trực HĐND đã phối hợp với Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh tiến hành giám sát bước đầu việc thực hiện Chương trình hành động của đại biểu HĐND tỉnh, nhất là việc thực hiện lời hứa của đại biểu với cử tri từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến nay; Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh đã thông báo kết quả giám sát tại kỳ họp thứ 9 của HĐND tỉnh. Qua đó, giúp cho đại biểu HĐND tỉnh nhận thức rõ hơn trách nhiệm của mình trước cử tri; đồng thời, tiếp tục phát huy nhiệm vụ, quyền hạn của người đại biểu dân cử; tăng cường thực hiện chức năng giám sát, nhất là giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, ý kiến, kiến nghị của cử tri,...
Nhìn chung, trong năm 2022, Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh đã luôn quan tâm, chú trọng thực hiện chức năng, nhiệm vụ đảm bảo theo quy định của pháp luật; có nhiều đổi mới về nội dung, cách thức nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động; được cán bộ, Nhân dân trong tỉnh đồng tình, đánh giá cao; ngày càng khẳng định vị thế là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương. Để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND trong thời gian tới, tại Hội nghị Tổng kết công tác của HĐND cấp tỉnh năm 2022 và triển khai kế hoạch công tác năm 2023 do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức, Thường trực HĐND tỉnh đã kiến nghị, đề xuất một số nội dung sau:
1. Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 tuy không quy định thẩm quyền của Thường trực HĐND các cấp trong việc thỏa thuận giải quyết những vấn đề phát sinh giữa 2 kỳ họp; nhưng tại một số Luật chuyên ngành và văn bản quy phạm pháp luật có liên quan (như Luật Ngân sách, Luật Đầu tư công, một số Thông tư...) lại quy định UBND trình Thường trực HĐND cùng cấp quyết định, điều chỉnh hoặc thống nhất thỏa thuận và báo cáo HĐND tại kỳ họp gần nhất. Do đó, để đảm bảo cơ sở pháp lý cho các địa phương thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo Luật định, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 theo hướng quy định cụ thể trách nhiệm của Thường trực HĐND trong việc thỏa thuận, thống nhất với UBND cùng cấp giải quyết những vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp cho phù hợp với quy định của pháp luật.
2. Hiện nay, chưa có quy đinh cụ thể về chế tài xử lý đối với các tổ chức, cá nhân không thực hiện kết luận, kiến nghị của Đoàn giám sát của HĐND; đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ xem xét, sớm ban hành các văn bản hướng dẫn, quy định chi tiết các điều, khoản được giao trong Luật và hướng dẫn việc thi hành Luật (theo quy định tại Điều 143 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương) nhằm giúp các địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND đảm bảo thống nhất, hiệu quả.
3. Đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù để giúp các địa phương phát huy được tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, cũng như phát huy lợi thế của từng vùng (tránh tình trạng các địa phương có sự tương đồng về tiềm năng, lợi thế, sẽ dễ dẫn đến việc cạnh tranh lẫn nhau), góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ đến năn 2030, tầm nhìn đến năm 2045” nói riêng và các Nghị quyết của Trung ương về phát triển 06 vùng kinh tế - xã hội của cả nước nói chung./.
Huỳnh Thúy Vân
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh