Nhiều chính sách hỗ trợ được triển khai trong năm 2023 như giảm 2% thuế VAT, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn và giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước; gia hạn nộp một số loại thuế, phí, lệ phí đã giúp người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn và được đánh giá là khá thiết thực, hiệu quả.
Ví dụ điển hình nhất là việc triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Như khẳng định trong Báo cáo do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tại Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XV thì đây là quyết sách đúng đắn, kịp thời của Quốc hội trong hoàn cảnh tình hình kinh tế - xã hội của đất nước đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19.
Nhiều chính sách chưa từng có tiền lệ trong Nghị quyết đã hỗ trợ đắc lực cho công tác phòng, chống, kiểm soát dịch; phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau gần 2 năm thực hiện đã đạt nhiều kết quả tích cực, cổ vũ tinh thần người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt, bổ sung nguồn lực lớn từ ngân sách nhà nước và các nguồn huy động khác để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và phát triển nhanh sau dịch, được sự đồng thuận, hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân, thành phần kinh tế - báo cáo nhấn mạnh.
Đây là những kết quả không thể phủ nhận, tuy nhiên, việc triển khai các chính sách hỗ trợ trong thực tế vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế cần được đánh giá kỹ lưỡng, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi không hoặc chậm triển khai chính sách hoặc kết quả thấp, không khả thi, đồng thời đánh giá tác động tới kết quả, hiệu quả triển khai thực hiện.
Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là cần làm gì để phát huy hơn nữa hiệu quả các gói hỗ trợ trong năm 2024? Trả lời câu hỏi này, nhiều ý kiến cho rằng, cần nhìn nhận một cách nghiêm túc về hiệu quả, hiệu lực trong triển khai các gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế trong năm 2023 vì thực tế, việc triển khai các gói hỗ trợ trong năm 2023 dù được đánh giá là khá hiệu quả nhưng vẫn còn nhiều "nút thắt" trong đó đáng chú ý là tình trạng chậm ban hành các văn bản so với yêu cầu.
Việc dự báo, tính toán nhu cầu hỗ trợ của một số chính sách cũng chưa lường hết được khó khăn, vướng mắc; chậm giải ngân và lượng giải ngân thấp so với quy mô nguồn lực được giao. Một số nơi, một số chỗ, một số thời điểm còn chưa linh hoạt, chủ động, quyết liệt trong triển khai...
Ý kiến khác lại cho rằng, năm 2024 sẽ không cần sử dụng thêm công cụ mới mà nên đưa những công cụ áp dụng năm 2023 đi vào chiều sâu và đồng bộ hơn. Ví dụ như việc giảm thuế VAT, thay vì thời gian áp dụng 6 tháng, có thể tăng lên 1 năm vì thời hạn rất quan trọng để doanh nghiệp nhìn có tầm dài hạn và tạo động lực cho thị trường. Và thời gian tới, hỗ trợ tài khóa nên tập trung tạo nền tảng phục hồi tăng trưởng, phát triển lâu dài, bền vững cho nền kinh tế như hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng, nâng cao chất lượng nhân lực, thúc đẩy tăng trưởng xanh.
Để có được nguồn lực thực hiện các chính sách hỗ trợ tài khóa trong năm 2024 là nỗ lực rất lớn. Người dân, doanh nghiệp cũng rất mong đợi điều này. Tuy nhiên, hỗ trợ không đơn thuần chỉ là giảm thuế, phí, lệ phí... mà phải tính đến các yếu tố căn cơ, bền vững hơn đó là hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật, tạo dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, giảm thiểu thủ tục hành chính. Đặc biệt, cần quyết liệt trong thực thi với tinh thần trách nhiệm cao, dám nghĩ, dám làm nhằm bảo đảm các chính sách hỗ trợ thực sự thiết thực và hiệu quả.
Tác giả bài viết: daibieunhandan.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn