Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa ban hành Chương trình hành động số 22-CTr/TU thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3.11.2022 của Bộ Chính trị về phát triển KT-XH và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Yêu cầu đặt ra là cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nêu tại Nghị quyết số 26-NQ/TW gắn với thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển KT-XH của tỉnh theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX nhằm khai thác, phát huy hiệu quả, tiềm năng, lợi thế của tỉnh góp phần vào sự phát triển KT-XH của vùng.
|
Chương trình hành động số 22-CTr/TU đặt mục tiêu nâng cấp, mở rộng các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt và nâng cấp sân bay Phù Cát.
- Trong ảnh: Tuyến QL 19 mới tạo liên kết vùng, là hành lang vận tải quan trọng nối cảng biển Quy Nhơn và Tây Nguyên. Ảnh: N.DŨNG |
Đồng thời, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, cơ cấu lại các ngành kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; bảo đảm hài hòa giữa tốc độ tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường.
Chương trình hành động số 22-CTr/TU đề ra 8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu. Trước hết là công tác quán triệt, tuyên truyền, tạo sự thống nhất, đồng thuận trong xây dựng, tổ chức thực hiện với nhiều hình thức, phương thức đa dạng, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng các nền tảng mạng xã hội để đạt hiệu quả cao nhất.
Thứ hai, tập trung thực hiện, phối hợp tốt công tác hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng. Trong đó, trọng tâm là chủ động đề xuất và phối hợp để quy hoạch “Tiểu vùng Trung Trung bộ”, xác định vị trí, vai trò động lực tăng trưởng của Bình Định đối với cả Tiểu vùng; liên kết phát triển với 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Xây dựng cơ chế liên kết phát triển giữa các địa phương trong Tiểu vùng với các tỉnh khu vực Tây Nguyên. Phát triển chuỗi đô thị ven biển gắn kết với hệ thống đô thị của Tiểu vùng Trung Trung bộ. Phối hợp với cơ quan Trung ương và tỉnh lân cận triển khai dự án tuyến cao tốc Quy Nhơn- Pleiku - Kon Tum để kết nối 3 tỉnh Bình Định, Gia Lai, Kon Tum nói riêng, kết nối Tây Nguyên và duyên hải Trung bộ nói chung, kết nối với cao tốc Bắc - Nam, tạo bước đột phá chiến lược về kết cấu hạ tầng. Tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn thành các đoạn còn lại của đường ven biển qua địa bàn tỉnh, nối thông với đường ven biển quốc gia qua các tỉnh Quảng Ngãi - Bình Định - Phú Yên.
Thứ ba là tập trung phát triển kinh tế nhanh, bền vững, đẩy mạnh phát triển kinh tế biển. Cụ thể, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ. Tăng cường ứng dụng KH&CN, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế du lịch dựa trên hệ sinh thái, tiềm năng hiện có và tôn trọng quy luật tự nhiên, đa dạng sinh học. Phát triển dịch vụ theo hướng tỉnh Bình Định trở thành trung tâm văn hóa, du lịch, thương mại - dịch vụ, dịch vụ vận tải biển, tài chính, y tế, GD&ĐT, ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ của vùng Duyên hải Nam Trung bộ và vùng Tây Nguyên…
Thứ tư là xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nâng cao tỷ lệ đô thị hóa. Cụ thể, tích cực huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH; đô thị hóa trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Xây dựng đô thị thông minh, phát triển đô thị gắn với hình thành, phát triển đô thị khoa học, thung lũng sáng tạo, trung tâm đổi mới sáng tạo và trí tuệ nhân tạo (AI), các trường đại học. Phát triển các khu đô thị mới, các khu dân cư gắn với phát triển các khu công nghiệp và nâng cấp, mở rộng các tuyến giao thông đường bộ (bao gồm cả đường bộ cao tốc), đường sắt (bao gồm cả đường sắt đô thị) và nâng cấp sân bay Phù Cát. Nghiên cứu bổ sung tuyến giao thông nối huyện An Lão với QL 24, hoàn thiện tuyến giao thông kết nối TX Hoài Nhơn với Bắc Kon Tum thông qua QL 24.
Cùng với đó là các nhóm nhiệm vụ, giải pháp về: Quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, nâng cao khả năng ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; Phát triển văn hóa- xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; Đảm bảo quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.
Chương trình hành động số 22-CTr/TU đặt ra mục tiêu tổng quát đến năm 2030:
- Trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ với tốc độ tăng trưởng GRDP giai đoạn 2021 - 2030 bình quân từ 8,5% trở lên, GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 là 204 - 213 triệu đồng/người.
- Là động lực tăng trưởng của Tiểu vùng Trung Trung bộ; gắn kết và tác động lan tỏa đối với các tỉnh Bắc Tây nguyên.
- Kinh tế phát triển nhanh, bền vững và xanh hơn dựa trên các trụ cột tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ du lịch, logistics và vận tải, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển kinh tế đô thị gắn với quá trình đô thị hóa; phát triển tất cả lĩnh vực trên nguyên tắc phát triển bền vững là ưu tiên hàng đầu.
- Là trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ và du lịch của vùng duyên hải miền Trung - Tây Nguyên; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại…
Tầm nhìn đến năm 2045, Bình Định tiếp tục thuộc nhóm dẫn đầu khu vực miền Trung, GRDP bình quân đầu người và tỷ lệ đô thị hóa cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Là trung tâm KH&CN, đổi mới sáng tạo, nơi ứng dụng trí tuệ nhân tạo quan trọng của Việt Nam. Kinh tế phát triển bền vững dựa trên các trụ cột: Công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp công nghệ thông tin và AI; du lịch chất lượng cao; nông nghiệp hữu cơ và hệ thống logistics hiệu quả…