Ðó là yêu cầu do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia đặt ra ngày 20.7, tại Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến với 19 tỉnh, thành phố vùng Bắc Trung bộ, Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên về tình hình triển khai thực hiện các chương trình.
Nhiều khó khăn,vướng mắc
Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương, trong giai đoạn 2021 - 2025, Trung ương giao tổng vốn đầu tư phát triển với kinh phí hơn 39.019 tỷ đồng cho các địa phương thuộc vùng Bắc Trung bộ, Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên để thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia (về phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; giảm nghèo; xây dựng nông thôn mới); chiếm 39,2% nguồn lực đầu tư phát triển của ngân sách Trung ương để thực hiện 3 chương trình trong cả nước.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang (hàng đầu, thứ 2 từ trái qua) cùng đoàn công tác Trung ương và lãnh đạo tỉnh khảo sát việc triển khai đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu tại xã Vĩnh An (huyện Tây Sơn). |
Riêng trong năm 2023, ngân sách Trung ương phân bổ kinh phí thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia cho các tỉnh trong khu vực hơn 17.820 tỷ đồng (chiếm gần 36% tổng nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ cho cả nước). Hiện, các địa phương trong vùng đã phân bổ vốn đạt 83,68%. Tuy nhiên, kết quả giải ngân đến hết tháng 6.2023 mới đạt trên 2.055 tỷ đồng (chiếm 21,67% so với kế hoạch giao, thấp hơn 6,53% so với trung bình chung của cả nước).
Theo đánh giá, quá trình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia gặp phải một số khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý, tổ chức thực hiện. Việc bố trí vốn đối ứng để thực hiện các chương trình theo tỷ lệ khó đảm bảo.
Bên cạnh đó là khó khăn từ việc thiếu hướng dẫn hoặc quy định thực hiện các dự án, tiểu dự án chưa cụ thể, thống nhất giữa các thông tư, văn bản của các bộ, ngành. Kinh phí hỗ trợ một số nội dung hỗ trợ còn thấp, khó áp dụng trong điều kiện thực hiện ở địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Theo Bộ tiêu chí mới thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhiều tiêu chí rất khó thực hiện…
Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn Phan Chí Hùng cho biết, năm 2023, tổng nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia phân bổ cho huyện gần 84 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển là 51 tỷ đồng, vốn sự nghiệp hơn 33 tỷ đồng. Kết quả giải ngân đến nay đạt hơn 39,5 tỷ đồng, đạt 47,1%; trong đó, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư phát triển đạt 59,15%, vốn sự nghiệp đạt 28,68%.
“Trong quá trình thực hiện, địa phương nhận thấy văn bản hướng dẫn một số nội dung, tiểu dự án, dự án thành phần của các chương trình ban hành muộn và còn chung chung. Do vậy đã gây khó khăn cho các đơn vị, địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện và giải ngân vốn đầu tư, nhất là nguồn vốn sự nghiệp”, ông Hùng cho biết.
Còn theo Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn 2021 - 2023, vốn ngân sách Trung ương giao tỉnh thực hiện gần 1.076 tỷ đồng; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư các chương trình đến nay mới chỉ đạt 23,34% kế hoạch vốn giao.
“Tỉnh kiến nghị Chính phủ giao UBND các tỉnh rà soát nội dung, đối tượng, kinh phí của từng tiểu dự án, dự án thành phần các chương trình mục tiêu quốc gia để xem xét điều chỉnh nội dung, nguồn kinh phí thực hiện để đạt mục tiêu đề ra”, ông Phạm Anh Tuấn đề xuất.
Quang cảnh Hội nghị trực tuyến về tình hình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia khu vực Bắc Trung bộ, Duyên hải Miền Trung và Tây Nguyên. |
Trách nhiệm, chủ động, quyết liệt
Tại Hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương đã tập trung thảo luận các vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó, trọng tâm là việc một số bộ, ngành Trung ương chưa ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện các nội dung trong từng chương trình, dẫn đến các địa phương lúng túng, khó khăn trong triển khai. Cùng với đó, đề xuất các giải pháp tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn thực hiện các chương trình, dự án.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng so với kết quả năm 2022, dù đã tháo gỡ nhiều khó khăn nhưng kết quả thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia đến nay chưa có chuyển biến tích cực.
“Tôi có cảm giác rằng nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thật sự quan tâm, chưa có trách nhiệm “đầy đặn” đến việc triển khai các chương trình này. Nguyên nhân theo tôi là kinh phí phân bổ cho từng địa phương ít mà làm lại cực, phải đi tới vùng sâu, vùng xa, chăm từng chút”, đồng chí Trần Lưu Quang nhìn nhận.
Theo Phó Thủ tướng, các chương trình mục tiêu quốc gia đã và đang lo cho người nghèo, người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là nhiệm vụ chính trị cực kỳ quan trọng và mang lại giá trị nhân văn sâu sắc.
Nhấn mạnh trong điều kiện hết sức ngặt nghèo về thời gian, khó khăn về triển khai thực hiện và trong tâm thế nhiều địa phương chưa sẵn sàng lắm với việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết Trung ương sẽ tiếp tục sửa chữa và ban hành hướng dẫn nhanh nhất có thể những nội dung còn vướng mắc, cơ bản là trong quý III/2023 sẽ hoàn thành.
Đối với các bộ, ngành liên quan, cùng chính quyền các địa phương, Phó Thủ tướng yêu cầu phải áp dụng phương châm “trách nhiệm, tích cực, chủ động và quyết liệt hơn nữa” trong triển khai các nội dung của 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Đặc biệt, Bộ KH&ĐT cùng các bộ, ngành chủ trì các chương trình này cần có sự kết nối tốt hơn với các địa phương để lắng nghe những ý kiến còn vướng mắc. Ngược lại, các địa phương có gì vướng phải hỏi ngay.
“Tôi đề nghị tất cả văn bản trao đổi qua lại giữa các bộ, ngành Trung ương với các địa phương từ nay gửi thêm địa chỉ là Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang. Tôi sẽ có trách nhiệm tổng hợp, theo dõi xem việc hỏi và trả lời giữa các bộ, ngành, địa phương như thế nào. Tôi thêm việc nhưng cũng muốn chia sẻ với các đơn vị, địa phương. Nếu cố gắng và trách nhiệm thì việc gì khó cũng có cách gỡ được; còn cái gì cũng đổ thừa chưa có quy định, chưa làm được thì việc không thể chạy được”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phải chắt chiu để thực hiện các dự án cho “ra tấm, ra món” Phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh và huyện Tây Sơn về thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, chuyến khảo sát thực tiễn tại tỉnh lần này nhằm tiếp tục thực hiện tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là bám sát cơ sở, lắng nghe hơi thở cuộc sống để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy các chương trình, dự án đang triển khai. Phó Thủ tướng cho biết, sau nhiều năm có dịp trở lại, ông đã cảm nhận được sự phát triển đi lên mạnh mẽ của Bình Định. Nhất là từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay, nhiều chỉ số cốt lõi thể hiện sự phát triển của tỉnh đều có bước cải thiện rõ nét, thể hiện nỗ lực vươn lên của tỉnh. Ông đề nghị lãnh đạo tỉnh tiếp tục đoàn kết, thống nhất thực hiện thắng lợi mục tiêu, nghị quyết của Trung ương và của tỉnh đã đề ra; sớm đưa Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu khu vực miền Trung. Đối với việc thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Phó Thủ tướng cho rằng tổng nguồn vốn bố trí cho tỉnh để thực hiện chưa thể đáp ứng được nhu cầu thực tế địa phương. Vì thế tỉnh phải biết chắt chiu, huy động thêm các nguồn lực của địa phương để thực hiện các dự án cho “ra tấm, ra món”; tránh tình trạng dàn trải, manh mún. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn thực hiện các chương trình, dự án vì thời gian thực hiện không còn nhiều. Theo Phó Thủ tướng, thời gian đến, địa phương nào giải ngân nhanh, các chương trình, dự án mang lại hiệu quả sẽ được Chính phủ phân bổ vốn nhiều hơn, nhằm tạo được động lực thi đua trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. |
Tác giả bài viết: baobinhdinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn