Chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, 9 tháng đầu năm 2023, tỉnh Bình Ðịnh đã giải ngân 153,109 tỷ đồng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), đạt 65,72% kế hoạch vốn được giao, cao hơn so với bình quân chung của cả nước (48%) và luôn nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước.
3 dự án đảm bảo giải ngân 100% vốn
Năm 2023, tỉnh Bình Định được Trung ương giao kế hoạch vốn ODA là 170,382 tỷ đồng để thực hiện 3 dự án: Xây dựng cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu cho đồng bào dân tộc thiểu số (CRIEM); Đầu tư xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP); Dự án môi trường bền vững các thành phố Duyên hải - Tiểu dự án TP Quy Nhơn. Ngoài ra, Trung ương cho phép tỉnh Bình Định chuyển 62,573 tỷ đồng đã bố trí năm 2022 sang năm 2023 để tiếp tục thực hiện Dự án cung cấp trang thiết bị y tế cho TTYT TP Quy Nhơn.
Theo Sở KH&ĐT, tỉnh Bình Định đã rất nỗ lực để thuyết phục Trung ương, nhà tài trợ lựa chọn tham gia các dự án sử dụng vốn ODA. Hầu hết các dự án đều thực hiện trong thời gian khá dài và mỗi dự án có nguyên tắc, quy định riêng. Từ khâu làm thủ tục hồ sơ, triển khai dự án, đến việc thanh quyết toán khối lượng công việc hoàn thành phải đảm bảo đúng quy định của hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và nhà tài trợ nước ngoài. Các khâu nói trên có sự giám sát chặt chẽ của các bộ, ngành Trung ương và các nhà tài trợ. Nếu thực hiện không tốt các dự án hiện có, thì việc xin tham gia các dự án khác rất khó.
Ý thức được điều này, ngay từ đầu năm, các chủ đầu tư xác định rõ danh mục đầu tư, đồng thời xây dựng kế hoạch chi tiết, đôn đốc các nhà thầu thực hiện, cam kết đảm bảo tiến độ dự án và tiến độ giải ngân.
Được tỉnh bố trí vốn ODA khá lớn (120,434 tỷ đồng), ngay từ đầu năm Ban Quản lý dự án dân dụng và công nghiệp tỉnh đã đôn đốc các nhà thầu tập trung nhân lực, phương tiện, vật tư tại công trình đẩy nhanh tiến độ thi công các hợp đồng thuộc Dự án môi trường bền vững các thành phố Duyên hải - Tiểu dự án TP Quy Nhơn. Lãnh đạo Ban Quản lý thường xuyên có mặt tại các công trường, hỗ trợ nhà thầu tháo gỡ vướng mắc phát sinh. Nhờ đó dự án đạt tiến độ tốt, tỷ lệ giải ngân vốn ODA đến nay đạt gần 82%.
Ông Trương Khoa, Giám đốc Ban Quản lý dự án dân dụng và công nghiệp tỉnh, cho biết: Trong số 3 hợp đồng còn lại của dự án triển khai trong năm 2023, thì hợp đồng xây dựng mở rộng khu chôn lấp chất thải rắn Long Mỹ đã thi công xong từ tháng 4.2023, giá trị hợp đồng thực hiện đạt gần 90%. Hiện Ban đã bàn giao tạm công trình cho UBND TP Quy Nhơn đưa vào vận hành và đang chờ ý kiến của Sở Xây dựng để bàn giao chính thức trong tháng 10.2023, để sớm thanh quyết toán dứt điểm phần giá trị còn lại của hợp đồng. Hai hợp đồng khác cũng hoàn thành vào cuối năm nay, đảm bảo giải ngân 100% vốn được giao. So với 3 tỉnh: Khánh Hòa, Quảng Bình, Ninh Thuận cùng tham gia dự án này, tỉnh Bình Định đang dẫn đầu về tiến độ thực hiện và giải ngân vốn, được nhà tài trợ đánh giá là đảm bảo tính bền vững hiệu quả đầu tư về môi trường, đáp ứng mục tiêu của dự án.
Tiến độ Dự án LRAMP và Dự án CRIEM cũng rất tốt, công tác thanh quyết toán nhanh. Ông Trần Thanh Dũng, Giám đốc Sở GTVT cho biết, triển khai dự án LRAMP - hợp phần đường, năm 2023 đơn vị được bố trí hơn 15,7 tỷ đồng để cải tạo tuyến ĐT 639 đoạn km 0 - km 13+280 đoạn Nhơn Hội - Cát Tiến. Hiện tuyến đường nói trên đã hoàn thành, đưa vào sử dụng và đã giải ngân xong 100% vốn.
Trong khi đó, Ban Quản lý dự án NN&PTNT tỉnh cũng thực hiện giải ngân đạt 97,26% vốn ODA được phân bổ năm 2023 để thực hiện Dự án LRAMP. Đơn vị này cam kết giải ngân 100% vốn ODA được giao trong tháng 10.2023. Các công trình hoàn thành đưa vào sử dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong đi lại, kết nối giao thương, đảm bảo ATGT, góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn toàn tỉnh.
Dự án môi trường bền vững các thành phố Duyên hải - Tiểu dự án TP Quy Nhơn đạt tiến độ tốt, tỷ lệ giải ngân vốn ODA đến nay đạt gần 82%. - Trong ảnh: Hợp đồng xây dựng mở rộng công suất Nhà máy xử lý nước thải Nhơn Bình - 1 trong 3 hợp đồng thuộc dự án - đã cơ bản hoàn thành. Ảnh: TIẾN SỸ |
Đề nghị Trung ương gia hạn dự án còn lại
Ông Lê Hoàng Nghi, Giám đốc Sở KH&ĐT, cho biết: Dù tỉnh Bình Định giải ngân vốn ODA cao hơn so với bình quân chung của cả nước và luôn nằm trong nhóm đầu của cả nước nhưng hiện Dự án cung cấp trang thiết bị y tế cho TTYT TP Quy Nhơn do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ thông qua Ngân hàng xuất nhập khẩu Hàn Quốc lại chưa giải ngân được.
Năm 2022, Trung ương phân bổ cho tỉnh Bình Định 62,573 tỷ đồng vốn ODA để thực hiện dự án, nhưng khi triển khai thì dịch bệnh Covid -19 bùng phát, cộng với những vướng mắc về cơ chế, chính sách mua sắm trang thiết bị y tế trong nước và các quy định của nhà tài trợ chưa được giải quyết, nên Sở Y tế (chủ đầu tư dự án) không thể thực hiện được việc lựa chọn giá, lập dự toán mua sắm trang thiết bị y tế, và không hoàn thành khối lượng dự án theo tiến độ đặt ra… Dù được Trung ương cho phép chuyển vốn sang năm 2023 để tiếp tục thực hiện dự án, nhưng vì những lý do nói trên, đến nay tỉnh ta vẫn không giải ngân được số tiền nói trên.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng, những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án nằm ngoài khả năng xử lý của tỉnh. Để tiếp tục triển khai dự án, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Tài chính và Bộ KH&ĐT, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đến ngày 31.12.2025; đồng thời tỉnh cũng đã trao đổi thống nhất với nhà tài trợ về việc gia hạn thời gian thực hiện Hiệp định vay đã ký kết đến ngày 31.12.2025. Mới đây, UBND tỉnh cũng đã có tờ trình gửi Bộ Tài chính đề nghị cho phép gia hạn Hiệp định vay vốn thực hiện dự án với các mốc thời gian: Thời hạn mua sắm của dự án đến 31.12.2024; thời gian thực hiện dự án đến 31.12.2025 và thời hạn giải ngân, quyết toán đến ngày 30.6.2026. UBND tỉnh sẽ nỗ lực thuyết phục Bộ Tài chính cho phép gia hạn dự án và cam kết thực hiện dự án đúng mốc thời gian nói trên.
Tác giả bài viết: baobinhdinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn