MỘT SỐ VẦN ĐỀ ĐỂ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG THẨM TRA CỦA BAN KINH TẾ - NGÂN SÁCH HĐND TỈNH ĐỐI VỚI CÁC BÁO CÁO CỦA UBND TỈNH VÀ CÁC NGÀNH THUỘC LĨNH VỰC KINH TẾ, NGÂN SÁCH

Thứ bảy - 03/06/2023 09:15
Hoạt động thẩm tra các báo cáo của Ủy ban nhân dân (UBND) và các báo cáo khác theo quy định pháp luật theo sự phân công của Thường trực HĐND là một trong 4 hình thức giám sát quan trọng, thường xuyên của các Ban của Hội đồng nhân dân (HĐND). Mục đích của hoạt động giám sát này là để giúp các Ban HĐND theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát trong việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình; từ đó, có yêu cầu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định.
Trên cơ sở kế thừa và phát huy kinh nghiệm trong hoạt động giám sát qua các nhiệm kỳ của HĐND, căn cứ các quy định của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015, từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến nay, Ban Kinh tế - Ngân sách của HĐND tỉnh Bình Định tiếp tục tổ chức, thực hiện hiệu quả hoạt động giám sát đối với các báo cáo của UBND tỉnh và các cơ quan thuộc lĩnh vực kinh tế, ngân sách, đô thị, giao thông, xây dựng, khoa học, công nghệ, tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh.
Đối với hoạt động giám sát tại kỳ họp: Tại các kỳ họp thường lệ, Thường trực HĐND tỉnh giao Ban Kinh tế - Ngân sách chủ trì, phối hợp với các Ban HĐND tỉnh thẩm tra báo cáo của UBND tỉnh về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và các báo cáo chuyên ngành về lĩnh vực kinh tế, ngân sách, đô thị, giao thông, xây dựng, khoa học, công nghệ, tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh. Kết quả nhận định, đánh giá của Ban Kinh tế - Ngân sách qua các báo cáo thẩm tra đối với lĩnh vực kinh tế - ngân sách tại kỳ họp đã phản ánh kịp thời, đúng tâm tư, nguyện vọng của cử tri, cung cấp thông tin giúp các đại biểu HĐND tỉnh có thêm cơ sở để nghiên cứu, xem xét, thảo luận và quyết định nội dung có liên quan tại các kỳ họp.
Song, qua quá trình thực hiện và trao đổi, học tập kinh nghiệm từ một số tỉnh bạn cho thấy, bên cạnh những thuận lợi,  kết quả đã đạt được, trong tổ chức thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách đối với các báo cáo của UBND tỉnh và các ngành thuộc lĩnh vực kinh tế, ngân sách còn có những khó khăn, vướng mắc đó là: Cách thức tổ chức thẩm tra đôi khi còn lúng túng, việc thu thập thông tin, tài liệu tham khảo còn khó khăn; hầu như chưa tổ chức hoạt động khảo sát, nắm tình hình trước khi tiến hành thẩm tra, do đó thiếu cơ sở thực tiễn và nguồn thông tin. Chất lượng một số báo cáo thẩm tra chưa cao; đánh giá nhận định vấn đề chưa sâu, chưa chặt chẽ, chủ yếu nêu lại hoặc xuôi chiều theo báo cáo; chưa phản biện được vấn đề, chưa chỉ ra những hạn chế, bất cập hoặc có nêu nhưng còn chung chung, thiếu cơ sở để minh chứng; các nội dung kiến nghị chưa cụ thể hoặc kiến nghị những nội dung mang tính cập nhật, lặp lại hàng năm…
Xác định nguyên nhân chủ yếu của những khó khăn, hạn chế đó là: Thẩm tra các báo cáo thuộc lĩnh vực kinh tế - ngân sách đòi hỏi đại biểu phải có trình độ chuyên môn, kiến thức thực tiễn và am hiểu về lĩnh vực kinh tế, tài chính, kỹ thuật…, trong khi thực tế hiện nay đa số thành viên Ban mới tham gia HĐND và hoạt động kiêm nhiệm, trong khi đòi hỏi mỗi đại biểu cần phải quan tâm, cập nhật thường xuyên, nghiên cứu, nắm chắc quy định của pháp luật trên các lĩnh vực kinh tế, ngân sách, đô thị, giao thông, xây dựng, khoa học, công nghệ, tài nguyên và môi trường thì mới có thể đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ thẩm tra, giám sát... Bên cạnh đó, việc thẩm tra còn có nhiều quan điểm về cách thức thẩm tra đối với các báo cáo, có ý kiến cho rằng cần viết ngắn gọn, không nêu những kết quả đã đạt được, chỉ nêu tồn tại, hạn chế hoặc những vấn đề cần giải trình làm rõ; cũng có ý kiến đề nghị phải đánh giá những kết quả đạt được để đối chiếu, so sánh, nội dung cần chú ý ngắn gọn, cô đọng, rõ ràng… đây là một khó khăn đặt ra cho Ban Kinh tế - Ngân sách. Tại khoản 3, Điều 111, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định “Báo cáo thẩm tra cần đánh giá về sự phù hợp của dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, tình hình, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; nêu rõ quan điểm và đề xuất phương án xử lý đối với những nội dung còn có ý kiến khác nhau”; tuy nhiên, thực tế cho thấy báo cáo của mỗi địa phương, mỗi cấp, mỗi nơi trình bày khác nhau, cách đặt vấn đề, đánh giá, nhận định,… cũng khác nhau, không thống nhất.
Bên cạnh đó, việc thu thập, cập nhật thông tin phục vụ hoạt động thẩm tra các báo cáo còn gặp nhiều khó khăn, chưa đầy đủ. Khác với việc thẩm tra các dự thảo nghị quyết, đề án trình tại kỳ họp, thẩm tra các báo cáo hoạt động là việc xem xét đánh giá kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh và việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; qua đó, chỉ ra những hạn chế, yếu kém; phân tích nguyên nhân và đưa ra những kiến nghị phù hợp. Hiện tại, để xem xét, đánh giá các báo cáo Ban Kinh tế - Ngân sách chỉ dựa trên cơ sở báo cáo định kỳ do UBND tỉnh và các cơ quan, đơn vị trình tại kỳ họp, do đó để có cái nhìn bao quát, đánh giá một cách đầy đủ, toàn diện và khách quan là một vấn đề khó. Vì vậy, yêu cầu đặt ra đối với lãnh đạo Ban Kinh tế - Ngân sách là phải có quá trình cập nhật, theo dõi thường xuyên việc thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực phụ trách thông qua các kênh như: Báo cáo kết quả công tác định kỳ tháng, quý, 6 tháng, cả năm; tham dự các hội nghị, cuộc họp, buổi làm việc do Thường trực cấp ủy, UBND cùng cấp chủ trì hoặc các hội nghị do cơ quan, đơn vị tổ chức có nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Ban, nhất là các nội dung thuộc lĩnh vực kinh tế, ngân sách.
Với mong muốn tiếp tục nâng cao chất lượng các báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách đối với các báo cáo của UBND tỉnh trình tại kỳ họp HĐND; trước hết, cần xác định đúng tầm quan trọng của các báo cáo thẩm tra và những tiêu chí cần có của một báo cáo thẩm tra trình kỳ họp, đó là nêu rõ quan điểm của Ban thực hiện thẩm tra, không xuôi chiều theo nội dung báo cáo. Cụ thể, báo cáo thẩm tra phải giúp đại biểu HĐND có những thông tin cần thiết để xem xét, đánh giá tình hình, kết quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị một cách đầy đủ, khách quan, đúng chức năng, nhiệm vụ, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và ý chí, nguyện vọng của cử tri, nhân dân; đồng thời, chuẩn bị tốt các điều kiện cho việc thẩm tra, khâu đầu tiên đó là chuẩn bị tài liệu (báo cáo và các tài liệu tham khảo), tiếp theo là phân công nhiệm vụ các thành viên của Ban nghiên cứu, đồng thời tham khảo, xin ý kiến những người am hiểu về vấn đề đó và một khâu cần quan tâm tổ chức thực hiện đó là khảo sát tình hình thực tế tại địa phương về những vấn đề liên quan đến nội dung thẩm tra. Cụ thể:
- Đối với việc chuẩn bị tài liệu: Theo Quy chế hoạt động của HĐND tỉnh về chuẩn bị nội dung kỳ họp HĐND thì “Các cơ quan được phân công chuẩn bị nội dung kỳ họp có trách nhiệm… gửi đến Thường trực HĐND tỉnh trước ngày khai mạc kỳ họp 15 ngày (riêng báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND trước 10 ngày)”. Tuy nhiên, nếu đợi báo cáo chính thức mới nghiên cứu thẩm tra sẽ dẫn đến hệ quả không đảm bảo về chất lượng thẩm tra do thời gian quá gấp; chưa kể đa phần các báo cáo và tài liệu gửi đến phục vụ thẩm tra đều muộn hơn so với thời gian quy định. Vì vậy, để có thời gian nghiên cứu, Ban cần chủ động liên hệ với các cơ quan có trách nhiệm tham mưu cho UBND tỉnh gửi báo cáo sớm, kể cả báo cáo dự thảo tại phiên họp gần nhất.
- Đối với việc phân công các thành viên Ban nghiên cứu: Căn cứ chuyên môn và lĩnh vực công tác, lĩnh vực được Ban phân công theo dõi, lãnh đạo Ban phân công cho các thành viên, yêu cầu nghiên cứu và gửi ý kiến tham gia về Ban để tổng hợp. Thành viên Ban cần tích cực, chủ động nghiên cứu các tài liệu, văn bản liên quan, thảo luận và tham gia ý kiến vào dự thảo báo cáo thẩm tra, báo cáo kết quả giám sát và báo cáo công tác của Ban trình kỳ họp HĐND tỉnh đảm bảo chất lượng, kịp thời.
- Tổ chức lấy ý kiến tham gia của những người am hiểu về lĩnh vực, nội dung thẩm tra: Thực tế hiện nay hầu hết các Ban trước khi thẩm tra chưa tổ chức lấy ý kiến tham gia của chuyên gia vì chưa xây dựng được đội ngũ cộng tác viên; có những người được Ban đề nghị tham gia ý kiến song vì nhiều nguyên nhân, lý do khách quan, chủ quan nên khó tránh khỏi kết quả là chất lượng ý kiến không đạt được như mong muốn. Tuy nhiên, để thực hiện nội dung này, lãnh đạo Ban có thể tranh thủ ý kiến tham gia của các đồng chí nguyên là lãnh đạo HĐND, UBND và các cơ quan có liên quan đã nghỉ hưu hiện đang sinh sống trên địa bàn tỉnh hoặc trao đổi ý kiến với các tỉnh bạn đối với những vấn đề, nội dung khó, có nhiều vướng mắc trong thẩm tra.
- Tổ chức khảo sát, nắm tình hình thực tế: Lãnh đạo Ban lựa chọn những vấn đề chưa rõ, cần có cơ sở để đánh giá xác thực, sâu kỹ hoặc trong báo cáo chủ yếu nêu kết quả nhưng thông qua việc thu thập thông tin, tiếp xúc cử tri, phản ánh của báo chí, dư luận xã hội quan tâm đã bộc lộ nhiều vấn đề bất cập, cần phải tìm hiểu làm rõ và cần thiết phải tổ chức khảo sát, nắm tình hình thực tế để bổ sung cho nội dung cần đánh giá. Hình thức khảo sát thông qua buổi làm việc hoặc tổ chức đến địa bàn nắm tình hình thực tế. Tuy nhiên, không phải kỳ họp nào, báo cáo nào cũng tổ chức khảo sát, nắm tình hình vì như vậy sẽ rất phiền hà, gây ảnh hưởng hoạt động của các cơ quan, đơn vị. Việc khảo sát không dựa vào số lượng mà Ban luôn phải chú trọng đến chất lượng các hoạt động thông qua việc cải tiến phương thức khảo sát theo hướng dành nhiều thời gian để nghiên cứu hồ sơ trước khi nghe báo cáo, giải trình; có thể mở rộng thành phần tham gia đoàn khảo sát thông qua việc mời các ngành, các tổ chức, cá nhân có liên quan, có chuyên môn sâu cùng tham gia khảo sát; cần có sự kết hợp các nội dung để khi khảo sát làm việc với một cơ quan có thể nắm được nhiều nội dung thuộc trách nhiệm của các cơ quan khác.
- Tổ chức phiên họp Ban để thẩm tra nội bộ: Tuy luật không quy định nhưng việc tổ chức họp thẩm tra nội bộ của Ban trước khi tổ chức phiên họp thẩm tra với các cơ quan, đơn vị báo cáo là việc làm hết sức cần thiết. Tại phiên họp, Ban sẽ thống nhất nội dung dự thảo báo cáo thẩm tra, phân công thành viên phát biểu, tránh việc chính thành viên của Ban có ý kiến trái chiều với dự thảo báo cáo thẩm tra của Ban.
Xây dựng bố cục báo cáo phù hợp, đảm bảo đầy đủ các nội dung: Phần đánh giá nên tập trung những kết quả chủ yếu đã đạt được, hạn chế, yếu kém và kiến nghị giải quyết, giải pháp khắc phục trong thời gian tiếp theo; phần kết quả đạt được không lặp lại nội dung theo báo cáo mà phải có đánh giá (thông qua các số liệu), lập luận và nêu mức độ đồng thuận với kết quả báo cáo; việc chỉ ra những hạn chế, yếu kém phải có cơ sở thuyết phục, có căn cứ cụ thể, vì trong các báo cáo phần tồn tại hạn chế thường được thể hiện chung chung và sơ sài, thậm chí có báo cáo không nêu.
Việc nâng cao năng lực hoạt động của Ban Kinh tế - Ngân sách còn thể hiện qua việc các đồng chí lãnh đạo, các thành viên của Ban thường xuyên giữ mối quan hệ công tác với Thường trực HĐND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, phối hợp với các cơ quan liên quan ở tỉnh, Thường trực HĐND cấp huyện trong quá trình giám sát, khảo sát thực tế, thẩm tra … có như vậy, hoạt động của Ban Kinh tế - Ngân sách sẽ bám sát thực tiễn hơn, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của HĐND các cấp, từng bước khẳng định vai trò của cơ quan dân cử trên địa bàn tỉnh.
                                                                                                                                      Nguyễn Thanh Vũ
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây