KẾT QUẢ GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ VỀ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH CƠ CẤU LẠI NGÀNH NÔNG NGHIỆP TỈNH BÌNH ĐỊNH GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

Thứ hai - 25/09/2023 15:42
Thực hiện Chương trình giám sát năm 2023, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đã thành lập Đoàn giám sát chuyên đề về tình hình và kết quả thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Bình Định giai đoạn 2021 - 2025. Kết quả giám sát cho thấy, sau gần 03 năm thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp, ngành nông nghiệp của tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực, toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực thuộc ngành nông nghiệp.
Thực hiện Quyết định số 255/QĐ-TTg ngày 25/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 4547/QĐ-UBND ngày 15/11/2021 về việc ban hành Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Bình Định giai đoạn 2021-2025, nhằm cụ thể hóa các nội dung, giải pháp, lộ trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh. Trong giai đoạn từ 2021 - 2023, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh thông qua 03 Nghị quyết liên quan đến các chính sách để phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh; qua đó, đã tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương xây dựng và phát triển nền sản xuất nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh, góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách đã được UBND tỉnh ban hành trước năm 2021 còn hiệu lực để hỗ trợ thực hiện Kế hoạch; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn, về kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Ở các địa phương, có 11/11 Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy và UBND các huyện, thị xã, thành phố đã ban hành Chương trình hành động hoặc Kế hoạch để cụ thể hóa, tổ chức triển khai kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Kết quả thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên từng lĩnh vực như sau:
1. Đối với lĩnh vực trồng trọt: Rà soát, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế của các vùng, địa phương, nhu cầu thị trường và điều kiện biến đổi khí hậu, tăng cường áp dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất, chất lượng cây trồng, đẩy mạnh cơ giới hóa để giảm chi phí, nâng cao thu nhập.
Từ năm 2021 đến vụ Đông Xuân 2022-2023 đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng là 10.354 ha trên đất trồng lúa, trồng sắn và trồng mía sang trồng các loài cây có hiệu quả kinh tế cao hơn như: Lạc, ngô, rau màu, đậu đỗ, cỏ chăn nuôi,...;  Từ năm 2021 đến nay, thực hiện chuyển đổi mùa vụ sản xuất từ 3 vụ sang 2 vụ lúa/năm là 4.274 ha.
Bình quân hàng năm thực hiện chuyển đổi khoảng 270 cánh đồng, với diện tích trên 11.000 ha. Hình thành các chuỗi liên kết sản xuất lúa giống tập trung ở huyện Tuy Phước, Phù Cát, thị xã An Nhơn, Hoài Nhơn,... Phối hợp với các địa phương duy trì và phát triển 08 vùng sản xuất rau đạt tiêu chuẩn VietGAP, quy mô diện tích 106,4 ha, có 1.260 hộ dân tham gia. Phối hợp với các viện nghiên cứu, doanh nghiệp tổ chức khảo nghiệm, tuyển chọn các giống cây trồng năng suất, chất lượng cao, đã bổ sung vào cơ cấu giống của tỉnh. Hiện nay, sử dụng 99% giống lúa cấp xác nhận và hạt lai F1; sử dụng giống ngô lai đạt trên 95%; trên 70% diện tích cây ăn quả (cam, bưởi, xoài, dừa) trồng mới sử dụng giống đúng tiêu chuẩn. Đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển giao và nhân rộng các quy trình thâm canh lúa cải tiến (SRI) vào sản xuất, áp dụng chủ yếu ở các dự án liên kết, mô hình cánh đồng mẫu lớn, góp phần tiết kiệm nước tưới, giảm lượng khí phát thải.
2. Lĩnh vực chăn nuôi: Ngành chăn nuôi của tỉnh được duy trì và phát triển ổn định. Công tác quản lý kiểm soát chăn nuôi, phát triển tái đàn gắn với phòng chống dịch bệnh luôn được tăng cường và phát huy hiệu quả. Chăn nuôi tỉnh Bình Định ngày càng phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, hình thức chăn nuôi được chuyển dịch dần từ nhỏ lẻ sang trang trại tập trung, ứng dụng công nghệ cao. Bước đầu đã hình thành vùng nguyên liệu như vùng chăn nuôi lợn thịt ở huyện Hoài Ân, thị xã An Nhơn, huyện Phù Cát; vùng chăn nuôi gà thịt ở thị xã An Nhơn, huyện Phù Cát, huyện Tuy Phước và liên kết tiêu thụ ở các thị trường lớn như: Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế, Gia Lai, Đak Lak, Hà Nội…
Chuyển dịch cơ cấu đàn vật nuôi theo hướng tăng tỷ trọng gia cầm; tập trung nâng cao năng suất, chất lượng lợn, bò để tăng giá trị sản phẩm. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi hiện đại ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi sạch, chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi thân thiện với môi trường; phát huy hiệu quả chuỗi liên kết cung ứng thịt lợn cho thị trường, giúp người chăn nuôi ổn định sản phẩm đầu ra.
Công tác cải tạo đàn giống: Tỷ lệ bò lai tăng mạnh, trong đó tỷ lệ bò thịt chất lượng cao ngày càng tăng, số lượng bê thịt chất lượng cao được sinh ra mỗi năm mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho người chăn nuôi bò, đến nay bò thịt chất lượng cao đạt khoảng 79.300 con, chiếm 26% tổng đàn. Đối với giống lợn, tỷ lệ lợn lai giống cao sản đạt 93%, có 11 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất giống lợn. Đối với gà, công tác giống được đẩy mạnh xã hội hóa mang lại hiệu quả rất cao, trên địa bàn tỉnh hiện có trên 10 cơ sở sản xuất giống gà, trong đó có 02 doanh nghiệp lớn sản xuất gà giống thương phẩm 01 ngày tuổi là Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư và Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh với các dòng gà ta chọn lọc được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận tiến bộ kỹ thuật.
3. Lĩnh vực lâm nghiệp: Năng suất rừng trồng bình quân năm 2020 là 20 m3/ha/năm, đến nay là 22 m3/ha/năm; đối với rừng trồng sản xuất cây gỗ lớn, năng suất bình quân đạt tới 25 m3/ha/năm. Ngoài việc trồng rừng bằng hình thức thâm canh, trồng rừng bằng cây giống có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm soát và trồng bằng cây giống nuôi cấy mô đã nâng cao năng suất của rừng và nâng cao giá trị sử dụng đất rừng. Chất lượng cây giống phục vụ trồng rừng của tỉnh được kiểm soát nguồn gốc giống theo đúng quy định. Trên địa bàn tỉnh đã có 03 đơn vị đang ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất cây nuôi cấy mô trong sản xuất cây giống lâm nghiệp, công suất sản xuất khoảng 32 triệu cây giống/năm.
4. Lĩnh vực thủy sản: Tiến hành xây dựng kế hoạch phát triển tàu cá khai thác hải sản ở vùng biển khơi theo nhóm nghề, đối tượng khai thác dựa trên quy hoạch khai thác hải sản xa bờ của Bộ Nông nghiệp và PTNT; xây dựng đội tàu dịch vụ hậu cần nghề cá giúp ngư dân bám biển lâu ngày, nâng cao hiệu quả khai thác, công tác dịch vụ hậu cần tại các cảng cá đi vào hoạt động ổn định, phục vụ tốt cho đánh bắt hải sản, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm, thu hút tàu thuyền và phương tiện của các địa phương khác về cảng hoạt động mua bán. Tiếp tục sắp xếp và kiện toàn lại hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá. Trên địa bàn tỉnh hiện có 02 cơ sở chuyên sản xuất giống tôm thẻ chân trắng, phục vụ con giống chất lượng cho các vùng nuôi tôm thương phẩm trong và ngoài tỉnh; đã đưa vào sản xuất 02 cơ sở nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao với diện tích 164,34 ha.
5. Lĩnh vực diêm nghiệp: Bước đầu đã hình thành hình thức liên kết trong sản xuất và tiêu thụ muối; diêm dân đã và đang từng bước chuyển đổi dần từ sản xuất theo phương pháp truyền thống, kết tinh trên nền đất sang phương pháp ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để sản xuất muối sạch, kết tinh muối trên nền bạt nhựa HDPE nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất muối, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho diêm dân; nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm muối góp phần phát triển bền vững ngành muối của tỉnh. Các đơn vị sản xuất muối tiếp tục đầu tư nâng cấp nhà xưởng, trang thiết bị, quy trình sản xuất tiên tiến nhằm đảm bảo đáp ứng các điều kiện về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như:
- Việc phát triển sản xuất quy mô lớn, theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi chưa phổ biến, quy mô liên kết còn nhỏ; chưa tạo được “đột phá” về giá trị gia tăng cho sản phẩm; chế biến và bảo quản sau thu hoạch mặc dù đã được quan tâm, nhưng phần lớn mới ở dạng sơ chế, hoặc bán hoa quả tươi. Việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp còn ít; liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp để tập trung sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo mô hình cánh đồng lớn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của ngành.
- Tập quán chăn nuôi gia súc thả rông, quy mô nhỏ lẻ, quảng canh còn phổ biến, dẫn đến nguy cơ phát sinh và lây lan dịch, bệnh động vật; thực hiện chăn nuôi theo quy trình khép kín, hiện đại, theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, an toàn sinh học còn hạn chế; liên kết sản xuất trong chăn nuôi mới hình thành ở dạng liên kết nuôi gia công, quy mô nhỏ chưa hình thành liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm.
- Sản phẩm rừng trồng chủ yếu là gỗ nhỏ, chưa đáp ứng được nhu cầu nguyên liệu gỗ lớn cho công nghiệp chế biến; liên kết trong sản xuất lâm nghiệp chưa nhiều.
- Việc áp dụng các quy trình sản xuất có chứng nhận (VietGAP, hữu cơ,...) trong nuôi trồng thuỷ sản còn hạn chế. Trong hoạt động khai thác, vẫn còn tồn tại các công cụ khai thác hủy hoại môi trường (kích điện) dẫn đến nguy cơ tận diệt đối tượng thủy sản tự nhiên.
Để thực hiện có hiệu quả Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh trong thời gian tới, Đoàn giám sát đề xuất, kiến nghị một số giải pháp sau:
Một là, UBND tỉnh cần xem xét, rà soát, giao chỉ tiêu cụ thể đối với các địa phương trong việc thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh, đảm bảo phù hợp với tình hình, đặc điểm, thế mạnh của từng địa phương để làm cơ sở cho các địa phương triển khai thực hiện đạt hiệu quả; chỉ đạo các địa phương, các ngành xác định sản phẩm đặc trưng và xây dựng kế hoạch phát triển thị trường tiêu thụ một số sản phẩm đặc trưng của tỉnh; tổ chức rà soát, đánh giá kết quả thực hiện một số cơ chế, chính sách lớn của tỉnh đã ban hành trong lĩnh vực nông nghiệp để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Cân đối, bố trí các nguồn vốn đảm bảo để triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Bình Định giai đoạn 2021-2025.
Hai là, các cấp, các ngành cần tiếp tục quan tâm có giải pháp phù hợp để tăng trưởng giá trị gia tăng trong ngành nông nghiệp; tập trung hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đầu tàu tạo liên kết chặt chẽ, hình thành chuỗi giá trị, vùng sản xuất tập trung; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm mở rộng thị trường cho hàng nông sản.
Ba là, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp nông thôn của Trung ương và tỉnh đã được ban hành. Đồng thời nghiên cứu đề xuất ban hành một số cơ chế, chính sách của tỉnh để đẩy mạnh thực hiện và nâng cao hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025; Xây dựng các chương trình, đề án, dự án trọng điểm phát triển nông nghiệp phù hợp với đặc điểm và thế mạnh của từng vùng, địa phương; trong đó ưu tiên phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh và các sản phẩm đặc sản của địa phương gắn với công nghiệp chế biến nông sản.
Bốn là, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục rà soát các chỉ tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp sát với thực tiễn địa phương và theo kế hoạch chung của tỉnh, xây dựng Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, cụ thể hóa các chỉ tiêu thực hiện của từng lĩnh vực tại địa phương đảm bảo phù hợp với thực tiễn và kịp thời; Tăng cường phối hợp với các cơ quan chuyên môn trong công tác thu hút đầu tư, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tại các địa phương, ứng dụng thương mại điện tử nhằm nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm, giảm dần sản xuất manh mún, tập trung phát triển nền nông nghiệp bền vững trong giai đoạn tiếp theo. Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thực hiện giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đảm bảo đúng theo quy định và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật, tránh tình trạng tích tụ đất không đúng quy định, vượt hạn mức. Có giải pháp đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ; tăng cường liên kết vùng, đẩy mạnh các chuỗi liên kết sản xuất; nâng cao chất lượng sản phẩm mang tính đặc trưng, đặc thù của từng địa phương./.
 

Tác giả bài viết: Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây