KẾT QUẢ GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ VỀ CÔNG TÁC QUY HOẠCH, ĐẦU TƯ XÂY DỰNG HẠ TẦNG KỸ THUẬT VÀ GIAO ĐẤT, THUÊ ĐẤT CÁC KHU, CỤM CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Thứ ba - 06/02/2024 09:55
Tại kỳ họp thứ 14 (tháng 12/2023), HĐND tỉnh Bình Định đã thông qua báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của Thường trực HĐND tỉnh về công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và giao đất, thuê đất các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, HĐND tỉnh đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát; đồng thời, yêu cầu UBND tỉnh và các cơ quan có liên quan thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các kiến nghị của Đoàn giám sát.
Một số kết quả đạt được của công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và giao đất, thuê đất các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh:
Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, nghị quyết của HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hoạt động của các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh bảo đảm kịp thời, đúng quy định; các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh được hình thành và phát triển phù hợp với quy hoạch chung của cả nước và quy hoạch phát triển công nghiệp của địa phương. Đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 10 KCN, trong đó có 07 KCN đã đi vào hoạt động. KCN Phú Tài và KCN Long Mỹ đã thu hút lấp đầy 100%; KCN Nhơn Hội - Khu A, KCN Nhơn Hòa, KCN Hòa Hội đã hoàn thành đầu tư hạ tầng kỹ thuật và đang thu hút nhà đầu tư thứ cấp lắp đầy KCN; KCN Nhơn Hội - Khu B, KCN Becamex-VSIP Bình Định, KCN Hòa Hội đang triển khai đầu tư hoàn thiện các công trình hạ tầng kỹ thuật và tiếp tục thu hút nhà đầu tư thứ cấp. Theo Quy hoạch phát triển CCN tỉnh Bình Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2035, trên địa bàn tỉnh quy hoạch 60 CCN với tổng diện tích 1.956,2 ha. Đến nay, đã có 53 CCN với tổng diện tích 1.643,1 ha được quyết định thành lập; trong đó, có 19/53 CCN với tổng diện tích 652,9 ha do doanh nghiệp làm chủ đầu tư và 37/53 CCN với tổng diện tích 990,2 ha do Nhà nước làm chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật.
Trên địa bàn tỉnh 42/60 CCN đi vào hoạt động với tổng diện tích đất công nghiệp 947,7 ha, diện tích đất công nghiệp đã cho các doanh nghiệp thứ cấp thuê 592,7 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy bình quân các CCN đã đi vào hoạt động 62,5%; đã thu hút được 430 dự án đăng ký đầu tư với diện tích 740,7 ha, bình quân 1,7 ha/dự án (so cả nước 1,3 ha/dự án), chủ yếu các ngành nghề thế mạnh của tỉnh. Có 07/10 KCN đi vào hoạt động với tổng diện tích đất công nghiệp 2.020,2 ha, diện tích đất công nghiệp đã cho các doanh nghiệp thứ cấp thuê 756,5 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy bình quân các KCN đã đi vào hoạt động 37,4%. Trong đó, có 02 KCN với diện tích đất công nghiệp 339,4 ha đã cơ bản lấp đầy 100% và 02 KCN đã lấp đầy trên 50% diện tích đất công nghiệp.
Về công tác thu hút đầu tư vào các KCN, CCN, trên địa bàn Khu kinh tế Nhơn Hội và các KCN đã có 403 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 147.510 tỷ đồng, vốn đầu tư thực hiện khoảng 50.320 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 34,11% tổng vốn đăng ký). Trong đó có 40 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với vốn đăng ký 871 triệu USD; có 46 dự án trong các CCN được được UBND tỉnh quyết định cho thuê đất với tổng diện tích 153 ha, bình quân 3,3 ha/dự án; trong đó, có 32 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, 13 dự án đang triển khai; tổng vốn đầu tư của các dự án trong các CCN là 4.527 tỷ đồng, vốn thực hiện 3.613,2 tỷ đồng, đạt 79,8% với suất đầu tư bình quân 98,4 tỷ đồng/dự án phù hợp với mục tiêu đầu tư xây dựng CCN để thu hút, di dời các DN nhỏ và vừa vào đầu tư sản xuất kinh doanh...
Bên cạnh những kết quả đạt được, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và giao đất, thuê đất các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh.
Một là, Công tác quy hoạch CCN ở một số địa phương thiếu tính định hướng, chưa gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, dẫn tới, việc quy hoạch chi tiết một số CCN phải điều chỉnh bổ sung nhiều lần, nhất là ngành nghề thu hút đầu tư. Một số CCN gần khu dân cư nên không đảm bảo khoảng cách an toàn về môi trường; một số CCN có quy mô diện tích nhỏ nên chưa khai thác, tận dụng, phát huy được tính kinh tế, khó khăn trong việc thu hút DN làm chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật CCN.
Hai là, Công tác đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật KCN, CCN còn một số bất cập, hạn chế, đó là: (1) Mô hình quản lý đối với các CCN do Nhà nước làm chủ đầu tư chưa thống nhất trên toàn tỉnh, có địa phương giao Phòng Kinh tế/Kinh tế - Hạ tầng quản lý, có địa phương giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất quản lý; đơn vị quản lý CCN ở cấp huyện chưa thể hiện rõ được vai trò quản lý, đầu mối và khâu nối các hoạt động quản lý doanh nghiệp trong CCN. (2) Hầu hết các CCN do Nhà nước làm chủ đầu tư đều thiếu nguồn vốn đầu tư, suất đầu tư thực tế thấp, mới đầu tư một số hạng mục cơ bản (đường trục, đường điện của CCN), còn các hạng mục hạ tầng kỹ thuật khác hầu như chưa được đầu tư. Bình quân suất đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các CCN trên địa bàn tỉnh chỉ đạt khoảng 2,1 tỷ đồng/ha. Còn 25/32 CCN đang trong quá trình xây dựng hạ tầng kỹ thuật với tổng vốn đầu tư 1.520,7 tỷ đồng, vốn thực hiện 264,3 tỷ đồng, mới chỉ đạt 17,4%. Hiện còn 5/37 CCN chưa triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN. (3) Sự phối hợp giữa ngành và cấp trong việc giải quyết một số nội dung liên quan đến hoạt động của các KCN, CCN chưa chặt chẽ; trong một số trường hợp chưa kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý những sai phạm của các chủ đầu tư trong các CCN. Thủ tục pháp lý thiếu đồng bộ, nhiều CCN chưa có hồ sơ môi trường được phê duyệt; tiến độ xây dựng hạ tầng kỹ thuật chậm, thiếu đồng bộ (do thiếu vốn, chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách cấp huyện đầu tư và vốn ứng trước của DN thứ cấp), việc khắc phục các hư hỏng của hạ tầng không kịp thời làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN. (4) Các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh vào CCN chưa có hạ tầng, có tiến độ triển khai chậm hoặc tạm dừng đầu tư trong thời gian dài làm ảnh hưởng tới quy hoạch chung và thu hút đầu tư sản xuất kinh doanh vào trong CCN và môi trường trong khu vực. (5) Đối với các CCN do doanh nghiệp làm chủ đầu tư: Suất đầu tư cao, vốn đầu tư lớn, nên một số nhà đầu tư, sau khi được Nhà nước cho thuê đất, mặc dù kết quả đầu tư hạ tầng kỹ thuật khả quan hơn so với các CCN do Nhà nước đầu tư, nhưng mức đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật thực tế còn hạn chế, tiến độ đầu tư một số CCN chậm so với yêu cầu, cụ thể: 07/12 CCN đang trong quá trình xây dựng hạ tầng kỹ thuật với tổng vốn đầu tư 1.532,2 tỷ đồng, vốn thực hiện 488,1 tỷ đồng, đạt 31,9%; Còn 02/12 CCN chưa triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN.
Ba là, Công tác xúc tiến kêu gọi đầu tư chưa được chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật quan tâm đúng mức; tiến độ đầu tư xây dựng của nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng tiến độ nên nhà đầu tư thứ cấp không mặn mà đầu tư vào các CCN; vẫn còn các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh thực hiện bên ngoài các KCN, CCN. Tỷ lệ lấp đầy CCN bình quân toàn tỉnh đạt khá (cao hơn mức bình quân cả nước) nhưng thực tế tạo giá trị sản xuất công nghiệp còn thấp; một số KCN, CCN tuy đã đi vào hoạt động nhiều năm nhưng tỷ lệ lấp đầy còn thấp. Việc thu hút đầu tư một số CCN chưa đúng với phân khu chức năng theo quy hoạch chi tiết. Hầu hết các CCN do Nhà nước làm chủ đầu tư chưa xây dựng, ban hành và thực hiện phương án giá sử dụng hạ tầng kỹ thuật và phí duy tu bảo dưỡng CCN; một số CCN có giá sử dụng hạ tầng kỹ thuật và phí duy tu bảo dưỡng thấp, không đủ chi phí vận hành bộ máy; một số KCN, CCN do doanh nghiệp làm chủ đầu tư có suất vốn đầu tư khá thấp nhưng giá cho thuê hạ tầng kỹ thuật cao nên khó khăn cho việc thu hút đầu tư.
Bốn là, Công tác giao đất, thuê đất tại các KCN, CCN do doanh nghiệp làm chủ đầu tư gặp nhiều khó khăn, vì theo quy định hiện hành, mặc dù việc thu hút nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng CCN thuộc đối tượng Nhà nước ưu đãi đầu tư (miễn tiền thuê đất; cho thuê đất không qua đấu giá, đấu thầu). Tuy nhiên, do yêu cầu đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong CCN đòi hỏi mức vốn đầu tư cao, tiềm ẩn rủi ro khi không thu hút được nhà đầu tư thứ cấp vào sản xuất kinh doanh tại các CCN, nên số lượng nhà đầu tư đăng ký xây dựng kinh doanh hạ tầng kỹ thuật CCN vẫn còn rất hạn chế. Đối với các CCN do Nhà nước làm chủ đầu tư thu hút được nhiều nhà đầu tư thứ cấp vào sản xuất kinh doanh trong CCN (do đơn giá thuê đất thấp); tuy nhiên, hạ tầng kỹ thuật trong các CCN do Nhà nước làm chủ đầu tư không đồng bộ, chưa đảm bảo chất lượng, không được duy tu bảo dưỡng, nhất là hệ thống xử lý nước thải và giao thông nội bộ, dẫn đến giao thông xuống cấp, nguy cơ ô nhiễm môi trường, tính ổn định bền vững kém.
Năm là, Công tác quản lý, kiểm soát về môi trường còn rất nhiều bất cập và hạn chế: (1) Đối với các CCN: Còn nhiều CCN chưa lập báo cáo đánh giá tác động môi trường; các CCN đều chưa có giấy phép môi trường; hầu hết các CCN chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung; các cơ sở sản xuất trong CCN, hầu hết đều chưa có hệ thống xử lý nước thải đảm bảo quy địn; việc kiểm tra, xử lý vi phạm các cơ sở trong CCN trong việc thực hiện quy định pháp luật về bảo vệ môi trường và trong đầu tư xây dựng các công trình xử lý chất thải chưa triệt để. (2) Đối với các KCN: Việc lập hồ sơ môi trường và đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật về môi trường tương đối đảm bảo; hiện nay, chỉ còn KCN B trong Khu kinh tế Nhơn Hội chưa xây dựng hệ thống thu gom nước thải. Đối với KCN Phú Tài, trong thời gian qua, vẫn còn tình trạng người dân xung quanh phản ánh về vấn đề ô nhiễm bụi từ các cơ sở chế biến lâm sản.
Để công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và giao đất, thuê đất các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới đạt hiệu quả và đảm bảo theo quy định của pháp luật, trên cơ sở kiến nghị của Đoàn giám sát, HĐND tỉnh yêu cầu UBND tỉnh và các cơ quan có liên quan thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các kiến nghị của Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh, trong đó tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:
Thứ nhất, xem xét rà soát, phê duyệt bổ sung các CCN vào phương án phát triển CCN trên địa bàn tỉnh tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo đề nghị của các địa phương để có cơ sở sớm triển khai thực hiện, góp phần đảm bảo diện tích đất sẵn sàng thu hút các dự án mới trong thời gian tới. Đồng thời, rà soát, đưa ra khỏi quy hoạch đối với một số CCN gần khu dân cư hoặc không phù hợp định hướng phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và của tỉnh.
Thứ hai, tập trung thu hút các dự án đầu tư hạ tầng KCN, CCN; thu hút các dự án công nghiệp thân thiện với môi trường, có giá trị gia tăng cao, đem lại hiệu quả cao về thu ngân sách, sử dụng tiết kiệm đất đai, tiêu hao ít năng lượng, sử dụng nhiều nguyên liệu đầu vào từ địa phương hoặc có ý nghĩa liên kết, thúc đẩy các ngành nghề khác của địa phương cùng phát triển. Không thu hút các doanh nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, năng lực sản xuất hạn chế. Đề ra các giải pháp xúc tiến đầu tư, gắn vai trò của các chủ đầu tư hạ tầng các KCN, CCN trong xúc tiến đầu tư vào các KCN, CCN.
 Thứ ba, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ đầu tư dự án hạ tầng KCN, CCN, tiếp tục quan tâm đến những vấn đề về đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và các hệ thống về bảo vệ môi trường, tạo điều kiện thuận lợi từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động.
Thứ tư, đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu, ban hành quy chế phối hợp quản lý nhà nước đối với CCN trên địa bàn tỉnh cho phù hợp với quy định hiện hành và tình hình phát triển giai đoạn hiện nay; nghiên cứu ban hành khung tiêu chí, định mức để làm cơ sở thu hút dự án đầu tư vào KCN, CCN (căn cứ vào quy mô của Dự án, để có quy định các Dự án lớn phải đầu tư vào các KCN theo quy hoạch; Các Dự án quy mô nhỏ, trung bình thì đầu tư vào các CCN), tiến tới chấm dứt chấp thuận chủ trương đầu tư ngoài KCN và ngoài CCN, trong khi KCN, CCN còn diện tích đất xây dựng cơ sở sản xuất. Triển khai quy hoạch và đầu tư cơ sở hạ tầng khu kho bãi tập trung dọc Quốc lộ 19 (mới), triển khai Đề án di dời các doanh nghiệp, cơ sở trong các CCN thuộc diện phải di dời.
Thứ năm, nghiên cứu mô hình quản lý thống nhất đối với các CCN do nhà nước làm chủ đầu tư; ở cấp huyện nghiên cứu có chính sách hỗ trợ, xúc tiến thu hút các doanh nghiệp thứ cấp đầu tư hoạt động trong các CCN.
Thứ sáu, chỉ đạo thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, trong việc thẩm định, phê duyệt và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các doanh nghiệp nhằm đơn giản hoá các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính của các doanh nghiệp đầu tư vào các KCN, CCN.
Thứ bảy, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện dự án của các doanh nghiệp đầu tư vào các KCN, CCN, nhất là về việc sử dụng đất đai, bảo vệ môi trường, đảm bảo các chế độ, chính sách cho người lao động,… Kiên quyết thu hồi đất các dự án cố tình không triển khai thực hiện giữ đất quá thời gian quy định, vi phạm Luật Đất đai. Nghiên cứu đặt các trạm quan trắc môi trường để xử lý các vi phạm về môi trường cao. Sớm xử lý các dự án đã ngừng hoạt động theo đúng quy định. Phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các trường hợp cố ý chây ỳ, trốn tránh nghĩa vụ tài chính và các hành vi gian lận, vi phạm khác./.
 

Tác giả bài viết: Nguyễn Thanh Vũ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây