CẦN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ KỲ HỌP CHUYÊN ĐỀ
Thứ sáu - 02/06/2023 09:11
Theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019 quy định, Hội đồng nhân dân (HĐND) có 2 hình thức tổ chức kỳ họp đó là: kỳ họp thường lệ (2 kỳ/năm) và kỳ họp chuyên đề để giải quyết những vấn đề phát sinh đột xuất giữa 2 kỳ họp thường lệ. Vấn đề được quan tâm là cần có các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp chuyên đề.
Vấn đề từ thực tiễn Trong quá trình triển khai thực hiện, xuất phát từ thực tiễn và căn cứ quy định của pháp luật, từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến nay, HĐND tỉnh Bình Định đã tổ chức 10 kỳ họp ban hành 232 nghị quyết; trong đó có 5 kỳ họp chuyên đề với 79 nghị quyết được thông qua. Các nghị quyết ban hành tại 5 kỳ họp chuyên đề liên quan đến các cơ chế, chính sách như Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh; Đề án nâng cao năng lực hoạt động hệ thống y tế cơ sở của tỉnh; chương trình hỗ trợ kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025…; liên quan đến điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách tỉnh, vốn ngân sách trung ương; các dự án nhóm B có sử dụng vốn ngân sách Trung ương trên các lĩnh vực phát triển hạ tầng giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục,... như Dự án xây dựng tuyến đường ven biển (ĐT.639) đoạn từ Quốc lộ 1D - Quốc lộ 19 mới; xây dựng tuyến đường tránh phía Nam thị trấn Phú Phong; xây dựng đập dâng Hà Thanh 1, huyện Vân Canh; xây dựng cơ sở hạ tầng cảng cá Tam Quan, thị xã Hoài Nhơn; xây dựng Bệnh viện đa khoa khu vực Bồng Sơn (phần mở rộng); xây dựng các Trường trung học phổ thông được di chuyển, sắp xếp lại theo quy hoạch giai đoạn 2021-2025 (Trường THPT Nguyễn Hữu Quang, Trường THPT Phan Bội Châu); thông qua danh mục công trình, dự án cần thu hồi đất và chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đất lúa để thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh… Các nghị quyết được ban hành tại 5 kỳ họp chuyên đề đáp ứng được tính kịp thời về chủ trương để UBND tỉnh, các sở, ngành, các địa phương có căn cứ triển khai thực hiện, có ý nghĩa quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ảnh Quang cảnh kỳ họp thứ 10 (kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh khóa XIII Cùng với HĐND tỉnh, ở cấp huyện cũng đã tổ chức được một số kỳ họp chuyên đề. Như HĐND thành phố Quy Nhơn trong 9 kỳ họp được tổ chức từ đầu nhiệm kỳ đến nay có 4 kỳ họp chuyên đề để xem xét, thông qua 32 nghị quyết. Trong đó, xuất phát từ thực tiễn phải điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; quyết định chủ trương đầu tư một số dự án trên địa bàn thành phố quản lý như chủ trương đầu tư Dự án Hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư thôn Hải Bắc, xã Nhơn Hải; đầu tư Dự án mở rộng tuyến đường dọc bờ kè thôn Lý Hưng và Lý Lương, xã Nhơn Lý; Nâng cấp bê tông nhựa, cải tạo điện chiếu sáng đường Thành Thái… Hay như HĐND thị xã An Nhơn cũng tổ chức được 03 kỳ họp chuyên đề, HĐND thị xã Hoài Nhơn tổ chức 02 kỳ họp chuyên đề, HĐND huyện Phù Mỹ tổ chức 01 kỳ họp chuyên đề để xem xét, thông qua các nghị quyết về bổ sung danh mục dự án đầu tư vào kế hoạch đầu tư phát triển giai đoạn 2021 - 2025; hỗ trợ kinh phí cho các xã thực hiện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; chủ trương đầu tư một số dự án trên địa bàn cấp huyện quản lý; phương án sử dụng nguồn tăng thu và tiết kiệm chi thường xuyên ngân sách địa phương… Không nên xem kỳ họp chỉ là thủ tục phải làm Từ đầu nhiệm kỳ đến nay cho thấy, các nội dung thuộc thẩm quyền HĐND các cấp phải xem xét, quyết định tăng lên, nhất là trên lĩnh vực đầu tư, xây dựng, tài chính - ngân sách, kinh tế, văn hóa - xã hội. Thực tế, các nội dung này phát sinh liên tục, yêu cầu cần phải xem xét, quyết định ngay, nếu chờ đến kỳ họp thường lệ hàng năm (kỳ họp 6 tháng và cuối năm) thì sẽ chậm trễ thời gian trong việc triển khai thực hiện và có thể dẫn đến không đạt hiệu quả như mong muốn. Bởi vậy, tổ chức kỳ họp chuyên đề nhằm mục đích kịp thời xem xét, quyết định các vấn đề phát sinh, đột xuất, tạo điều kiện thuận lợi trong việc điều hành, chỉ đạo kinh tế - xã hội của Ủy ban nhân dân (UBND) cùng cấp, cũng như tháo gỡ, giải quyết những vấn đề cấp thiết của địa phương thuộc thẩm quyền. Ngoài ra, để giảm tải cho kỳ hợp thường lệ, tại kỳ họp chuyên đề cũng xem xét, quyết định những nội dung đã đăng ký tại kỳ họp thường lệ nhưng đã được các sở, ngành chuẩn bị xong và trình kỳ họp chuyên đề. Phải nhìn nhận rằng, kỳ họp chuyên đề thường xem xét, quyết định các vấn đề lớn, cấp bách hoặc những phát sinh trong thực tiễn cần giải quyết kịp thời nhưng thời gian chuẩn bị kỳ họp thường ngắn, khẩn trương, nhanh chóng. Đó là những vấn đề khó khăn nhất, dễ ảnh hưởng đến chất lượng kỳ họp chuyên đề. Qua tìm hiểu ý kiến của nhiều đại biểu, điều quan trọng đầu tiên là cần phải xác định đúng và trúng nội dung thực sự cần thiết, cấp bách, kịp thời thúc đẩy sự phát triển hoặc giải quyết nhanh chóng các vấn đề đặt ra, không làm đứt gãy hoặc kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội nếu chờ đến kỳ họp thường lệ. Tuy nhiên, cũng cần tránh dễ dãi, lạm dụng, “chạy theo” UBND và các ngành trong tổ chức kỳ họp chuyên đề. Nghĩa là UBND, các ngành đề xuất nội dung gì là sẽ tổ chức kỳ họp để xem xét, quyết định nội dung đó mà cần phải xem xét thấu đáo trên cơ sở thống nhất của Thường trực HĐND và lãnh đạo UBND cùng cấp. Bên cạnh đó, có đại biểu đề xuất cần có quy chế, quy định cụ thể, trong trường hợp nào tổ chức kỳ họp chuyên đề, tránh tình trạng cứ có phát sinh là tổ chức kỳ họp chuyên đề, bởi bên cạnh việc giải quyết các vấn đề cấp bách của địa phương thì mặt trái, khó khăn của nó là thời gian chuẩn bị ngắn, quá gấp, bị động và nội dung được đưa ra mang tính chuyên đề sâu, phức tạp cần phải có thời gian nghiên cứu, khảo sát. Nhiều ý kiến quan tâm khâu chuẩn bị phải được tiến hành chặt chẽ, kỹ lưỡng, trong đó quan tâm khâu khảo sát trước nội dung được trình nhằm xác định tính thực tiễn của vấn đề như thế nào và khâu thẩm tra phải chặt chẽ để khi quyết định thật sự phù hợp, sát đúng. Thực tế cho thấy là nội dung chuẩn bị kỹ nhưng kết quả kỳ họp, đại biểu HĐND sẽ là người quyết định. Vì vậy, việc nâng cao bản lĩnh, trách nhiệm và tính chuyên nghiệp của đại biểu là hết sức quan trọng. Muốn vậy, Chủ tọa kỳ họp phải “truyền lửa”, tiếp sức cho đại biểu làm tròn chức năng nhiệm vụ của người đại biểu Nhân dân; phải linh hoạt trong quá trình điều hành để khơi dậy được ý thức, trách nhiệm của đại biểu. Về trách nhiệm của mỗi đại biểu cũng cần chủ động nghiên cứu kỹ nội dung và tham gia ý kiến chất lượng tại kỳ họp. Vì vậy, có thể khẳng định, kỳ họp chuyên đề phải được xem là hoạt động bình thường của HĐND các cấp; do đó, đòi hỏi Thường trực HĐND, UBND cần chủ động từ sớm, từ xa, kịp thời thống nhất nội dung, chương trình, thời gian tổ chức kỳ họp; trên cơ sở đó, phân công các sở, ban, ngành chủ động phối hợp chặt chẽ với các Ban của HĐND thực hiện nhiệm vụ, chuẩn bị nội dung trình kỳ họp, khắc phục tính bị động, nhất là khắc phục tình trạng gửi hồ sơ, tài liệu chậm, không đảm bảo thời gian quy định. Mặt khác, các khâu chuẩn bị và tổ chức kỳ họp cần phải đảm bảo chặt chẽ, tuân thủ về quy trình; tránh xem việc tổ chức kỳ họp chuyên đề như một thủ tục cần phải làm, bởi như vậy vừa đánh mất vai trò của Hội đồng nhân dân, lại ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả điều hành, chỉ đạo phát triển chung của địa phương. PHẠM TẤN THÀNH