Tại Hội nghị tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 khu vực phía Bắc do UBTVQH tổ chức, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang Lâm Thị Hương Thành đã chia sẻ một trong những yếu bảo đảm chất lượng các phiên giải trình của Thường trực HĐND tỉnh chính là việc lựa chọn đúng, trúng nội dung.
Hiệu quả từ một phiên giải trình
Đợt dịch COVID- 19 lần thứ tư bùng phát, Bắc Giang trở thành tâm dịch lớn nhất cả nước khi dịch xâm nhập và lan rất nhanh trong 04 khu công nghiệp lớn của tỉnh. Thời điểm đó, theo báo cáo của cơ quan chức năng có gần 30.000 công nhân đang lưu trú trong các nhà trọ trên địa bàn. Tuy nhiên khi dịch bùng phát mạnh trong các khu công nghiệp, quá trình truy vết, khoanh vùng dập dịch cho thấy lượng công nhân đang ở trong các nhà trọ lên đến trên 60.000, gây khó khăn rất lớn cho công tác chống dịch. Bên cạnh đó, số lượng nhà trọ cũng không có con số chính xác, mỗi cơ quan, đơn vị cung cấp một số liệu khác nhau, điều đó cho thấy có một lỗ hổng rất lớn xung quanh vấn đề này, mặc dù UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 17/2018/QĐ-UBND về quy định quản lý nhà trọ trên địa bàn tỉnh.
Phiên họp thường kỳ của Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang xem xét báo cáo giải trình “Công tác quản lý nhà trọ trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, thực trạng và giải pháp”
Từ thực tế trên, Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang quyết định giao cho Ban Kinh tế - Ngân sách phối hợp cùng Ban Văn hóa – Xã hội tổ chức khảo sát trực tiếp tại một số địa bàn tập trung đông công nhân đang ở trọ trong dân, tham mưu đưa nội dung này vào phiên giải trình vào tháng 9/2021. Kết quả giám sát cho thấy, việc phát triển nhà trọ trên địa bàn chủ yếu mang tính tự phát, chưa có quy hoạch, phần lớn do các hộ dân tự xây trong phần đất ở của gia đình, chưa đảm bảo tiêu chuẩn; xây dựng vượt quá mật độ, không có diện tích sinh hoạt chung, vệ sinh môi trường, an toàn phòng cháy…chưa đạt yêu cầu, ảnh hưởng lớn đến chất lượng sống của người lao động. Công tác quản lý hoạt động của các nhà trọ, quản lý lưu trú, tạm trú, an ninh trật tự… lỏng lẻo. Các chủ nhà trọ chưa thực hiện trách nhiệm theo quy định, số hộ kinh doanh chấp hành nghĩa vụ thuế rất thấp(30%); trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương rất hạn chế.
Trước thực trạng trên, Thường trực HĐND tỉnh kiến nghị 05 vấn đề cụ thể đối với UBND tỉnh và 04 sở ngành, UBND các huyện, thành phố. Thực hiện Kết kuận của Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh có văn bản đôn đốc, giao cho Sở chuyên quản, UBND các huyện, thành phố tổ chức rà soát lại tất cả các nhà trọ trên địa bàn, Tỉnh ủy có Nghị quyết và UBND tỉnh ban hành Đề án về xây dựng nhà ở xã hội dành cho công nhân, Công an tỉnh triển khai phần mềm quản lý nhà trọ.
Sau hơn 03 tháng thực hiện Kết kuận của Thường trực HĐND tỉnh, công tác quản lý nhà nước đố với hoạt động này có sự chuyển biến rất rõ nét. Hiện nay tỉnh có chủ trương chung khi phê duyệt quy hoạch các khu đô thị, khu dân cư lớn đều phải đảm bảo dành tối thiểu 30% diện tích cho xây dựng các công trình nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp của tỉnh trong giai đoạn tới.
Xác định tầm quan trọng những nội dung giải trình
Chia sẻ kinh nghiệm trong tổ chức các phiên giải trình của Thường trực HĐND, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang Lâm Thị Hương Thành cho biết, thời gian qua, Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang đã luôn chú trọng thực hiện giải trình, chọn những vấn đề nổi lên qua giám sát, khảo sát của Thường trực, các Ban của HĐND cũng như những nội dung không thể nêu hết trong các kỳ họp HĐND đưa vào giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND hằng tháng. Qua đó làm rõ được những vấn đề còn đang vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện các quy định của pháp lụât trên nhiều lĩnh vực, đồng thời giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước thấy rõ những hạn chế, tồn tại cần khắc phục trong quá trình tham mưu tổ chức thực hiện nhiệm vụ.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang Lâm Thị Hương Thành phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 khu vực phía Bắc
Để việc tổ chức các phiên giải trình đạt chất lượng, theo Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang, vấn đề số 01 quyết định đến chất lượng, hiệu quả hoạt động giải trình chính là lựa chọn nội dung giải trình. Theo đó, Bắc Giang thường lựa chọn nội dung (chủ đề) qua hoạt động giám sát, khảo sát của Hội đồng, Thường trực cũng như các Ban. Đối với những vấn đề vấn đề rộng, có tính lan tỏa, tuyên truyền sẽ xác định đưa vào chất vấn tại kỳ họp, còn những vấn đề cụ thể, khó có thể giải đáp hết được qua chất vấn tại kỳ họp HĐND thì đưa vào giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND.
Ngay từ đầu năm, khi ban hành chương trình công tác năm của Thường trực HĐND tỉnh đã xác định tháng nào, quý nào sẽ có nội dung giải trình và nội dung đó thuộc lĩnh vực nào, giao trực tiếp cho 01 Ban của HĐND tỉnh chủ trì, phối hợp với các Ban khác nghiên cứu, lựa chọn đề xuất nội dung cần giải trình để Thường trực xem xét, quyết định.
Những nội dung đề xuất tập trung vào các vấn đề nóng, phức tạp được đông đảo cử tri quan tâm hoặc là vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau, trái chiều. Cũng có thể là những trì trệ, yếu kém kéo dài chậm được khắc phục thì giải trình để thấy rõ nguyên nhân và trách nhiệm của từng cơ quan, từng cấp để có hướng khắc phục. Có thể là những vấn đề mới nổi nên, hiện có quan điểm, nhận thức khác nhau và chưa có giải pháp giải quyết thỏa đáng thì thực hiện giải trình để làm rõ, các cơ quan liên quan cùng đánh giá đầy đủ, khách quan đi đến thống nhất nhận thức và xác định giải pháp giải quyết cụ thể, đồng bộ, tạo cơ sở để phối phợp giải quyết tốt các tồn tại….
Khi đã lựa chọn được chủ đề cần giải trình, tùy từng lĩnh vực, Thường trực HĐND tỉnh giao cho các Ban của HĐND tiến hành nghiên cứu, thu thập thông tin, tổ chức khảo sát, tham vấn... Từ đó đề xuất các nội dung cụ thể, lựa chọn các ngành, các cá nhân liên quan đến nội dung cần giải trình. Các vấn đề này được Thường trực HĐND tỉnh xem xét, cho ý kiến tại các phiên giao ban hằng tuần. Sau khi thống nhất, Thường trực HĐND tỉnh có văn bản gửi các cơ quan, đơn vị yêu cầu báo cáo rõ về các vấn đề giải trình, báo cáo gửi về Thường trực HĐND tỉnh trước phiên họp từ 5 đến 7 ngày. Sau khi nhận được báo cáo của các cơ quan giải trình, Thường trực HĐND tỉnh giao cho các Ban, Văn phòng nghiên cứu, xem xét và nêu các vấn đề chưa rõ, chưa thống nhất cần tiếp tục trao đổi hoặc làm rõ tại phiên họp. Các vấn đề cần tiếp tục trao đổi tại phiên họp được gửi đến các thành viên Thường trực, đại biểu HĐND được mời dự để nghiên cứu, tham khảo, chuẩn bị nội dung phát biểu trao đổi tại phiên họp.
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang Lâm Thị Hương Thành cho biết, sau khi kết thúc phiên giải trình, Thường trực HĐND tỉnh ban hành thông báo kết luận phiên họp gửi đến các cơ quan, đơn vị và cá nhân biết để tổ chức thực hiện. Đồng thời, phân công các ban HĐND, Văn phòng chủ động theo dõi, đôn đốc thực hiện các kiến nghị và báo cáo Thường trực; đồng thời tham mưu, đề xuất phương án giải quyết đối với các kiến nghị chưa được giải quyết hoặc giải quyết chưa đầy đủ để các kiến nghị được thực hiện nghiêm túc. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang Lâm Thị Hương Thành khẳng định hoạt động giải trình của Thường trực HĐND tỉnh đã phát huy hiệu quả rõ rệt.
Đề cao trách nhiệm của cá nhân, đơn vị giải trình
Để tiếp tục nâng cao chất lượng phiên giải trình, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang Lâm Thị Hương Thành cho biết, trong thời gian tới, Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang xác định tập trung vào một số giải pháp chủ yếu:
Một là, lựa chọn và xác định nội dung giải trình vẫn là yếu tố quan trọng hàng đầu. Giao nhiệm vụ, khuyến khích khả năng phát hiện vấn đề qua giám sát, khảo sát, tiếp xúc cử tri hoặc qua thực tế cuộc sống của các đại biểu chuyên trách, thành viên các Ban để có nhiều nội dung đưa vào chất vấn, giải trình tại phiên họp Thường trực hằng tháng.
Hai là, nâng cao kỹ năng điều hành của chủ trì, dân chủ, khoa học, nắm chắc nội dung liên quan đến vấn đề đưa ra giải trình. Điều hành nội dung cần linh hoạt, gợi mở, tập trung, khuyến khích đối thoại, tranh luận đến cùng và kết thúc đúng lúc; nếu chưa sáng tỏ vấn đề thì chủ tọa điều hành phiên giải trình có kết luận hoặc yêu cầu người trả lời, trả lời trực tiếp đại biểu bằng văn bản hoặc vào phiên họp sau.
Ba là, khuyến khích, nâng cao tinh thần, trách nhiệm của đại biểu HĐND, nhất là các đại biểu chuyên trách, các đại biểu là thành viên của các Ban trong nghiên cứu, đề xuất, tham gia hoạt động giải trình với phương châm: Rõ nội dung, chính xác về thông tin, đảm bảo đúng các quy định của pháp luật liên quan đến nội dung, yêu cầu giải trình.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 khu vực phía Bắc
Bốn là, đề cao trách nhiệm đối với cơ quan, đơn vị (người) giải trình, phải cụ thể, rõ ràng, đi thẳng vào vấn đề theo yêu cầu đặt ra, nêu rõ việc đã làm được, việc chưa làm được, nguyên nhân, xác định rõ trách nhiệm, tiến độ và biện pháp khắc phục. Người trả lời giải trình phải đề cao vai trò trách nhiệm cá nhân, nhận thức rõ những mặt tích cực và những thiếu sót để khắc phục, tránh tình trạng trả lời chung chung, đùn đẩy trách nhiệm của cá nhân, đơn vị mình.
Năm là, sau khi ban hành kết luận phiên giải trình, Thường trực HĐND, các Ban, các Tổ đại biểu và đại biểu HĐND tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện của UBND và các ngành liên quan.
Sáu là, làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền. Phối hợp với Báo, Đài PT-TH tỉnh và các cơ quan thông tấn, báo chí đăng tải những thông tin, phóng sự, phỏng vấn về các nội dung được giải trình tại các phiên họp Thường trực hằng tháng để cử tri và nhân dân theo dõi, giám sát./.
Tác giả bài viết: Theo quochoi.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn