Ưu tiên giải quyết nút thắt nào khi cải cách tiền lương?

Thứ hai - 25/12/2023 16:24
Theo TS. NGUYỄN HỮU DŨNG, Trưởng Bộ môn Kinh tế tài nguyên, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, khu vực công lương thấp nhưng tổng lương và lương hưu do ngân sách bảo đảm chiếm tỷ lệ rất cao trong tổng chi tiêu của Nhà nước, vì vậy cải cách tiền lương buộc phải "đẽo chân cho vừa giày". Đây là nút thắt phải ưu tiên giải quyết trong cải cách chính sách tiền lương.

Buộc phải “đẽo chân cho vừa giày”

- Theo ông, cải cách tiền lương những năm gần đây có ý nghĩa như thế nào với việc nâng cao mức sống của cán bộ, công chức, viên chức?

Ưu tiên giải quyết nút thắt nào khi cải cách tiền lương? -0

- Thời gian qua, một số luật và quy định về tăng lương đã được ban hành nhằm nâng cao mức sống của cán bộ, công chức, viên chức và củng cố quản lý nhân sự. Có thể thấy, mức lương tối thiểu được điều chỉnh ngày càng nhiều, hiện đã tăng gần 18 lần so với năm 1994. Năm 2003 đã chứng kiến bước nhảy vọt lớn nhất, mức lương tối thiểu tăng 38% so với năm trước, nhưng mức tăng này đang chậm lại - ví dụ năm 2006 chỉ tăng 28,6%, năm 2012 chỉ tăng 26,5%.

Tôi cho rằng, sự thay đổi lương tối thiểu đã được thực hiện một cách có chủ ý, dần dần và từng bước, thay vì biến động lớn. Ở đầu giai đoạn, lạm phát không cao hơn mức tăng lương nên việc tăng lương có thể giúp tăng mức sống. Tuy nhiên, những năm tiếp theo, lạm phát tăng nhanh và đạt đỉnh điểm năm 2008 với 23%, nhưng lương không tăng được mức như vậy nên thành tựu tăng lương đã bị xói mòn rất nhiều.

Theo ông, đâu là khó khăn lớn nhất trong cải cách chính sách tiền lương hiện nay?

Các lý thuyết kinh tế cho rằng, chỉ có thể thu hút người lao động nếu tiền lương  phù hợp với năng suất của họ. Lương thấp chỉ thu hút những người không có động lực, loại bỏ những người có năng lực và tâm huyết ra khỏi hệ thống hoặc những người ở lại bị buộc phải làm gì đó để bù đắp thu nhập của họ. Những điều này cần phải được lưu ý trong cải cách tiền lương tới đây.

- Khu vực công có hệ thống lương thấp, nhưng tổng lương và lương hưu được bảo đảm bởi ngân sách chiếm tỷ lệ rất cao nên cải cách tiền lương buộc phải "đẽo chân cho vừa giày" - đây là nút thắt khó giải quyết nhất.

Theo tôi được biết, tỷ lệ ngân sách nhà nước cho tiền lương, trợ cấp và tiền thưởng là khá cao và liên tục gia tăng. Ước tính tiền lương và trợ cấp cho các nhân viên ở khu vực công hiện chiếm 51% chi thường xuyên của Nhà nước, tức là gần 9,6% GDP trong khi năm 2010 con số này chỉ là 6,7% GDP. Ngoài ra, do xu hướng mở rộng ở 16 loại trợ cấp khác nhau, dẫn tới phần còn lại của ngân sách nhà nước trở nên nhỏ đi. Do đó, Nhà nước vẫn thực hiện chính sách lương cho các công chức với mức lương tối thiểu. Tiền lương dường như chỉ đủ cho 65 - 70 % nhu cầu cho cuộc sống tối thiểu của công chức, viên chức hiện nay.

Ngoài ra, so với khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài, mức lương trong khối Nhà nước vẫn rất thấp, và chênh lệch lương giữa khối công - tư ngày càng mở rộng. Vì thế, tìm kiếm thu nhập ngoài lương là xu hướng khó tránh khỏi. Nó đã trở thành nghịch lý lớn và mâu thuẫn trong cấu trúc lương.

Mạnh tay cắt giảm cán bộ

- Giải pháp ở đây là gì?

- Thực ra, chúng ta đã và đang thực hiện cải cách lương song song với cải cách hành chính, cải thiện dịch vụ công, giảm quy mô nhân sự trong khu vực công, và phát triển các dịch vụ công theo nhu cầu phát triển xã hội. Mặc dù việc tiến hành cải cách cần được thực hiện từng bước phù hợp nhưng tôi cho rằng cần phải tinh giản, cắt giảm cán bộ mạnh hơn, thay vì chỉ 10% như hiện nay mà không ảnh hưởng tới hiệu quả công việc, để dành nguồn lực tài chính cho cải cách cấu trúc lương.

Việc thực hiện chính sách xã hội hóa các hoạt động dịch vụ công cũng rất quan trọng nhưng đang diễn ra khá chậm với kết quả không đạt được kỳ vọng, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo. Chúng ta cần một bộ máy tinh gọn và hiệu quả hơn là cồng kềnh và yếu kém. Việc cắt giảm bớt biên chế để tăng lương cho các vị trí còn lại là rất cần thiết để cải thiện chất lượng công việc và cuộc sống. Cùng với đó, quan điểm và chính sách về cải cách chính sách tiền lương cần thay đổi cho phù hợp với nền kinh tế thị trường hơn.

Thay đổi như thế nào, thưa ông?

- Chúng ta cần coi mức lương thích hợp cho người lao động là một yếu tố thúc đẩy đầu tư vào phát triển xã hội, giúp phát triển kinh tế và cải thiện chất lượng dịch vụ công, góp phần vào tính minh bạch và nâng cao hiệu quả của bộ máy nhà nước. Luật về cán bộ, công chức, viên chức quy định: hai năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị sa thải; xác định vị trí làm việc là yếu tố cơ bản cho việc bổ nhiệm; những người không đáp ứng các yêu cầu của vị trí công việc cần phải loại khỏi chức vụ. Chúng ta cần phải bảo đảm các quy định này được thực thi trong thực tế.

Lương công chức, viên chức tính theo mức lương tối thiểu và hệ số như hiện nay cũng chưa hợp lý. Mức lương thích hợp phải được dựa trên hiệu quả và hiệu suất của các nhân viên công và chất lượng dịch vụ công, từ đó phân loại và loại bỏ những người yếu kém ra khỏi bộ máy, giảm gánh nặng cho ngân sách.

Thời gian tới, phải tiếp tục tách biệt lương trong sản xuất với khu vực hành chính cung cấp dịch vụ công - đây phải là bước quan trọng cho cải cách lương trong điều kiện mới của nền kinh tế. Đồng thời, phải thực hiện cải cách chính sách tiền lương bao gồm cả chính sách bảo hiểm xã hội và các chính sách khác liên quan đến con người và phát triển quốc gia thì mới đạt được thành công hơn nữa trong cải cách tiền lương.

Tác giả bài viết: daibieunhandan.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây