Các quy định mới của Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ khắc phục được tình trạng có một số trường hợp địa phương thu hồi đất tràn lan như đã xảy ra trước đây, dẫn đến những khiếu kiện đất đai kéo dài, khó xử lý; đồng thời, giảm tối đa phiền hà cho người dân trong quá trình đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo đó, thay vì người dân phải “đi xin”, các cơ quan nhà nước phải chủ động cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các trường hợp đủ điều kiện. Đây là một điểm rất mới, thể hiện tư duy tiến bộ trong nền hành chính kiến tạo, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Khắc phục tình trạng thu hồi đất tràn lan
Luật Đất đai (sửa đổi) quy định cụ thể 31 trường hợp Nhà nước "thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng" (Điều 79). Đặc biệt, đã xác định các nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, trong đó có nguyên tắc "khu tái định cư phải hoàn thiện các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ..." và "việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và việc bố trí tái định cư phải được hoàn thành trước khi có quyết định thu hồi đất" (Điều 91). Các quy định này sẽ khắc phục được tình trạng có một số trường hợp địa phương thu hồi đất tràn lan như đã xảy ra trước đây, dẫn đến những khiếu kiện đất đai kéo dài, khó xử lý.
Liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thực tế cho thấy, mặc dù trong thời gian qua công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng vẫn còn những hạn chế nhất định như: việc tổ chức thi hành pháp luật tại một số địa phương chưa nghiêm; còn tình trạng tự đặt ra các thủ tục, thành phần hồ sơ, thời gian giải quyết còn kéo dài so với quy định; vẫn còn có tình trạng cán bộ nhũng nhiễu trong thực thi công vụ, né tránh, sợ trách nhiệm trong giải quyết thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
Nguyên nhân của tình trạng trên chủ yếu do đất đai có tính lịch sử, nguồn gốc đa dạng, phức tạp; chế độ quản lý và sử dụng đất trải qua nhiều thời kỳ quy định không đồng bộ và thống nhất; công tác quản lý đất đai tại địa phương, nhất là chính quyền cơ sở trong một số thời điểm chưa được quan tâm sâu sát, chưa kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm...
Theo đó, với những điều, khoản cụ thể được quy định tại Luật Đất đai (sửa đổi) lần này sẽ giảm tối đa phiền hà cho người dân trong quá trình đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Cụ thể, Luật quy định việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (còn gọi là sổ đỏ) đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất mà không vi phạm pháp luật về đất đai, không thuộc trường hợp đất được giao không đúng thẩm quyền. Thay vì người dân phải “đi xin” cấp giấy chứng nhận, Luật mới quy định, các cơ quan nhà nước phải chủ động cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các trường hợp đủ điều kiện. Đây là một điểm rất mới, thể hiện tư duy tiến bộ trong nền hành chính kiến tạo, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành
Có thể nói, Luật Đất đai (sửa đổi) là dự luật lớn, đặc biệt quan trọng, có liên hệ mật thiết, ảnh hưởng trực tiếp tới toàn bộ người dân. Do vậy, để Luật sau khi có hiệu lực sớm đi vào cuộc sống, công tác phổ biến, tuyên truyền về những điểm mới, nội dung trọng tâm của Luật tới người dân, doanh nghiệp cũng cần được tăng cường, đổi mới để các đối tượng chịu sự tác động của chính sách nắm vững và thực hiện theo đúng quy định…
Theo các chuyên gia luật, việc thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp bất thường lần thứ Năm, Quốc hội Khóa XV (có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2025) đã đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, để nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất.
Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần quan tâm triển khai kịp thời việc ban hành các nghị định, văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành, tránh tình trạng để luật phải chờ nghị định. Đặc biệt, để luật được triển khai đồng bộ, có hiệu quả, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan rà soát các quy định, đề xuất xây dựng các nghị định, nghị quyết, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật; đồng thời, tiến hành rà soát các luật, quy định có liên quan, tham mưu Chính phủ chỉ đạo sửa đổi để bảo đảm đồng bộ với Luật Đất đai (sửa đổi).
Trong năm 2024, phải xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định về các vấn đề liên quan như: Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai ( sửa đổi); quy định về giá đất; quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; quy định về điều tra cơ bản đất đai; quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai… để đến ngày 1.1.2025, khi Luật Đất đai (sửa đổi) chính thức có hiệu lực thì có sự đồng bộ giữa Nghị định của Chính phủ, Thông tư của các bộ, ngành và Quy định của UBND tỉnh, thành phố nhằm bảo đảm thống nhất trong quá trình tổ chức thực hiện.
Tác giả bài viết: baobinhdinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn