Khắc phục các hạn chế, thúc đẩy du lịch Bình Ðịnh phát triển

Thứ ba - 09/05/2023 08:38

Với nhiều tiềm năng lợi thế, tỉnh Bình Ðịnh đã xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn giai đoạn 2020 - 2025. Tuy nhiên, qua hơn 2 năm triển khai thực hiện Chương trình hành động số 06-CTr/TU, vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại được chỉ ra trong cuộc họp Ban Chỉ đạo sáng 8.5. Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng - Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình hành động, chủ trì cuộc họp.

Dự buổi làm việc diễn ra ngày 8.5 của Ban Chỉ đạo Chương trình hành động số 06-CTr/TU về Phát triển du lịch Bình Định trở thành ngành kinh tế mũi nhọn giai đoạn 2020 - 2025, có các đồng chí: Nguyễn Văn Dũng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Quy Nhơn; Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Du lịch biển đảo vẫn thu hút đông khách du lịch đến Bình Định, nhưng sản phẩm còn đơn điệu, nghèo nàn.

- Trong ảnh: Khách tắm biển tại Khu du lịch Kỳ Co (Nhơn Lý, TP Quy Nhơn). Ảnh: DNCC

Hoạt động du lịch còn mang tính tự phát

Đánh giá của Ban Chỉ đạo cho thấy, sau hơn 2 năm thực hiện, ngành Du lịch Bình Định đã đạt được nhiều kết quả tích cực: Sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng hơn, phát huy được một số thế mạnh của tài nguyên du lịch. Không gian du lịch trên địa bàn tỉnh và thị trường du lịch được mở rộng; du lịch phục hồi nhanh sau đại dịch. Công tác an ninh, an toàn cho khách du lịch cơ bản được đảm bảo. Đặc biệt, hằng năm đã tổ chức được chuỗi các sự kiện, lễ hội văn hóa, thể thao, du lịch…, trở thành điểm nhấn, góp phần quảng bá thương hiệu du lịch Quy Nhơn - Bình Định trong và ngoài nước, đồng thời tạo thêm nhiều trải nghiệm cho du khách, làm tăng sức hấp dẫn, cạnh tranh cho du lịch Bình Định.

Tuy nhiên, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về phát triển du lịch bền vững còn hạn chế; ý thức văn minh trong kinh doanh du lịch, vấn đề vệ sinh môi trường ở một số nơi chưa được duy trì thường xuyên. Công tác quảng bá, xúc tiến của du lịch Bình Định đến thị trường quốc tế còn ít. Lượng khách quốc tế đến Bình Định đạt thấp so với chỉ tiêu đề ra. Sản phẩm du lịch về đêm chưa đáp ứng nhu cầu của du khách; thiếu khu vui chơi, giải trí và chưa có trung tâm thương mại - mua sắm cao cấp; thế mạnh về văn hóa như bài chòi, võ cổ truyền, hát bội… chưa phát triển thành sản phẩm du lịch phục vụ du khách.

Nguồn nhân lực phục vụ du lịch tuy có tăng nhưng còn thấp so với chỉ tiêu đề ra, chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là hướng dẫn viên đủ trình độ ngoại ngữ. DN du lịch sau 2 năm bị đình trệ vì dịch Covid-19 hiện đang gặp nhiều khó khăn về nguồn lực tài chính…

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng cho biết, Tập đoàn Vietravel đang khảo sát, dự kiến tổ chức giải đua thuyền thường niên trên đầm Thị Nại, đây cũng là nơi có thể tổ chức các hoạt động du lịch đêm nên cần khẩn trương nạo vét, khơi thông luồng lạch.

- Trong ảnh: Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng (bìa trái) cùng Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn (bìa phải) khảo sát thực tế đầm Thị Nại.  Ảnh: HOÀNG QUÂN

Khó khăn trong đầu tư xây dựng cơ sở du lịch

Theo Chương trình hành động số 06-CTr/TU, mục tiêu cụ thể của ngành Du lịch Bình Định là đến năm 2025, lượng khách du lịch nội địa đến tỉnh đạt 6,5 triệu lượt; có 25.000 phòng đạt tiêu chuẩn phục vụ du lịch, 70% trong số đó là phòng khách sạn 3 - 5 sao; thu hút đầu tư 2 - 3 dự án vui chơi giải trí. Tuy nhiên, hiện nay Bình Định chỉ có hơn 13.200 phòng khách sạn đạt tiêu chuẩn, trong đó phòng thuộc khách sạn 3 - 5 sao chỉ hơn 3.400, chiếm 26,1%; và chưa có dự án vui chơi giải trí nào.

Từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 14 dự án, trong đó bao gồm các dự án về khách sạn, khu nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, du lịch sinh thái. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 62 dự án du lịch, trong đó có 13 dự án đã hoàn thành hoặc hoàn thành từng phần, đi vào hoạt động, 43 dự án đang triển khai xây dựng và 6 dự án đã hoàn tất hồ sơ thủ tục.

Thiếu khu vui chơi giải trí quy mô khiến du lịch Bình Định chưa thể tạo sức hút với du khách.

- Trong ảnh: Khách xem biểu diễn xiếc hải cẩu tại Khu du lịch Kỳ Co (Nhơn Lý, Quy Nhơn). Ảnh: DNCC

Giám đốc Sở Xây dựng Trần Viết Bảo cho biết, hiện có 8 dự án du lịch trên tuyến Quy Nhơn - Sông Cầu đã đưa vào sử dụng, phục vụ khách. Một số dự án do những nguyên nhân khác nhau chưa hoàn thiện theo tiến độ đề ra hoặc chưa đủ điều kiện đưa vào hoạt động. Hiện ở nội thành TP Quy Nhơn chỉ còn một ít quỹ đất để thực hiện các dự án du lịch như khu đất K200 đường An Dương Vương, khu đất 65 Tây Sơn.

Các dự án du lịch đã được chấp thuận chủ trương đầu tư trên địa bàn tỉnh chủ yếu có quy mô nhỏ, phân tán; tiến độ triển khai chậm, cơ quan chức năng không thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và xử lý theo quy định. Giám đốc Sở KH&ĐT Lê Hoàng Nghi kiến nghị: “Hiện có một số địa điểm đắc địa, tỉnh cần định hướng thu hút các nhà đầu tư có thương hiệu để hướng đến nguồn khách từ châu Âu. Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án tôn tạo di tích, danh lam thắng cảnh, để khai thác phát triển du lịch. Nên thí điểm giao một số di tích cho DN quản lý để xây dựng đề án khai thác hiệu quả”.

Phải hành động quyết liệt hơn

Là trung tâm du lịch của tỉnh, nhưng chính TP Quy Nhơn cũng đang thiếu rất nhiều điều kiện để thu hút khách du lịch. Chúng ta có thế mạnh biển đảo nhưng hầu như không có hoạt động vui chơi giải trí nào trên biển. Công tác quy hoạch bến đậu đỗ cho tàu thuyền du lịch chưa rõ nét, cụ thể.

Bí thư Thành ủy Quy Nhơn Nguyễn Văn Dũng nêu một số đề xuất: “Dịch vụ về đêm ở Quy Nhơn vẫn còn ít, chưa  hấp dẫn, do đó, cần đánh giá, khảo sát định hướng luồng lạch trên đầm Thị Nại để tạo ra sản phẩm du lịch, dịch vụ đêm trên thuyền. Thành phố sẽ phối hợp với Sở VH&TT tổ chức các giải thể thao dọc bãi biển để tạo điểm nhấn, thu hút du khách. Bên cạnh đó, thành phố sẽ đánh giá lại các khu phố ẩm thực để triển khai theo hướng mới mẻ hơn”.

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng - Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình hành động số 06-CTr/TU, nhìn nhận: Nếu không thực hiện một cách bài bản thì chúng ta có nguy cơ tụt hậu. Hiện nay đang mùa du lịch nhưng nhiều nhà hàng, khách sạn vắng khách, số chuyến bay còn ít, chưa có nhiều sản phẩm du lịch mới. Chất lượng các sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, không tạo ra sự hấp dẫn; chưa có các điểm để du khách trải nghiệm vào ban đêm… Thời gian qua, cách thức thực hiện của các đơn vị chưa thực sự quyết liệt nên hiệu quả chưa cao, khó đạt được các mục tiêu đặt ra trong Chương trình hành động.

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh: “Ngành du lịch cần tích cực phát triển thị trường để thu hút khách, phát triển thị trường nội địa ở các khu vực phía Bắc, phía Nam và đồng bằng sông Cửu Long; thu hút khách khu vực Đông Bắc Á. Tỉnh sẽ làm việc với các hãng hàng không để mở các đường bay quốc tế. Công tác quảng bá cần có cách thức, chiến lược thiết thực hơn, bài bản hơn, việc mời các DN có kinh nghiệm để quảng bá, kể cả trên môi trường số. Tăng cường chức năng quản lý nhà nước, nhưng phải tạo điều kiện cho du lịch phát triển chứ không phải siết chặt. Làm sao phải giữ được môi trường Bình Định sạch đẹp, văn minh, thân thiện, lịch sự, yên bình, mến khách. Không đặt nặng mục tiêu đưa khách về đông, nhưng phải là nơi yên bình, thân thiện, không làm xáo trộn cuộc sống của người dân địa phương”.    

Tác giả bài viết: baobinhdinh.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây