Hồ Chí Minh - người truyền cảm hứng đọc sách và học tập suốt đời
Thứ hai - 21/04/2025 15:34
Trong dòng chảy của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21.4, chúng ta lại có dịp nhớ đến một nhân vật kiệt xuất - người đã làm nên lịch sử dân tộc không chỉ bằng hành động cách mạng mà còn bằng tình yêu tri thức cháy bỏng: Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Tấm gương đọc sách và học tập không ngừng nghỉ của Người là nguồn cảm hứng sâu sắc, khơi dậy văn hóa đọc và tinh thần học tập suốt đời cho mỗi người Việt hôm nay.
Người bạn đồng hành không thể thiếu
Sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước, Hồ Chí Minh sớm thấm nhuần đạo lý truyền thống và khao khát học hỏi. Khi bước chân ra nước ngoài tìm đường cứu nước, hành trang của Người là ý chí sắt đá và tinh thần tự học đáng khâm phục. Người tự trau dồi tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Nga… qua lao động, trải nghiệm và những trang sách. Dù trên con tàu vượt biển, trong căn gác nhỏ ở Paris, hay giữa rừng sâu Việt Bắc, sách luôn là người bạn đồng hành không thể thiếu của Người.
 |
Bác Hồ đọc báo cho các cháu nghe tại Trại nhi đồng ở Việt Bắc, năm 1950. Ảnh tư liệu |
Hồ Chí Minh không chỉ đọc sách mà còn biết “biến sách thành hành động”. Từ những trang sách, Người tiếp cận học thuyết Mác - Lênin, tìm ra con đường cách mạng giải phóng dân tộc. Trong tác phẩm “Đời sống mới” (1947), Người nhấn mạnh: “... học không bao giờ hết. Người có học mới có tiến bộ. Càng học càng tiến bộ”. Với Người, học tập không giới hạn bởi tuổi tác, trình độ hay địa vị; và đó là hành trình suốt đời để hoàn thiện bản thân.
Đặc biệt, Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải học trong nhân dân, học ở mọi nơi, mọi lúc - “Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân, không học nhân dân là một thiếu sót rất lớn”.
Đọc sách không chỉ để tích lũy tri thức mà còn để rèn luyện đạo đức, phẩm chất. Lời ghi ở trang đầu quyển sổ vàng của Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương tháng 9.1949, Người căn dặn: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp, nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”. Lời dạy ấy đến nay vẫn còn nguyên giá trị, là kim chỉ nam cho mọi thế hệ.
Biến tri thức thành sức mạnh
Tinh thần học tập không ngừng của Hồ Chí Minh chính là ngọn lửa soi đường cho khát vọng vươn mình của dân tộc Việt Nam trong kỷ nguyên mới, như Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định gần đây.
Kỷ nguyên vươn mình, khởi đầu từ Đại hội XIV của Đảng, là thời kỳ phát triển bứt phá, hướng tới một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Trong kỷ nguyên vươn mình, tri thức và văn hóa đọc trở thành động lực then chốt để khơi dậy tinh thần tự chủ, tự cường và sáng tạo của toàn dân. Tấm gương đọc sách của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở chúng ta rằng, để sánh vai với các cường quốc năm châu, mỗi người Việt phải không ngừng học hỏi, biến tri thức thành sức mạnh, góp phần hiện thực hóa khát vọng dân tộc.
Trong thời đại số hóa, khi văn hóa đọc đối diện với thách thức từ mạng xã hội, công nghệ và nhịp sống hối hả, tinh thần đọc sách và tự học của Chủ tịch Hồ Chí Minh càng trở nên đáng quý. Đọc để hiểu mình, hiểu người; học để không lạc hậu giữa dòng chảy tri thức. Từ ánh đèn dầu năm xưa của Người đến những không gian đọc hiện đại hôm nay, tất cả đều nối dài một sợi dây bền chặt: tình yêu tri thức là nền tảng cho sự phát triển con người và xã hội.
Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam không chỉ là ngày hội của những trang sách, mà còn là dịp để mỗi người tự vấn: Ta đã đọc gì, học gì và sống ra sao từ những điều đã đọc? Học theo Người, chúng ta có thể bắt đầu từ những điều giản dị: một cuốn sách hay, một tủ sách nhỏ, hay một giờ đọc yên tĩnh mỗi ngày.
Hồ Chí Minh đã thắp lên ngọn lửa văn hóa đọc bằng chính cuộc đời mình. Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, chúng ta - những thế hệ tiếp nối hãy giữ gìn và lan tỏa ngọn lửa ấy, để tri thức trở thành sức mạnh đưa Việt Nam vươn cao, vươn xa, sánh vai với các cường quốc năm châu, như khát vọng mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh.
Tác giả bài viết: TRẦN NGỌC NHIỀU (Giảng viên Học viện Chính trị khu vực III)