Giải phóng mặt bằng phục vụ Dự án cao tốc Bắc - Nam: Còn nhiều vướng mắc cần giải quyết

Thứ sáu - 08/12/2023 15:02

Lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các địa phương phải bàn giao xong 100% mặt bằng phục vụ thi công dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Ðịnh vào ngày 31.12.2023. Trường hợp quyền lợi của người dân đã được ghi nhận đầy đủ mà vẫn không chấp hành thì tổ chức cưỡng chế thu hồi đất. Song, các địa phương nơi thì gấp rút thực hiện, nơi vẫn chậm trễ do “mắc kẹt”.

Mới có Quy Nhơn và Tây Sơn hoàn thành

Toàn tỉnh có 8 địa phương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) phục vụ dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, qua địa bàn tỉnh Bình Định với 11.736 hộ bị ảnh hưởng, tổng kinh phí bồi thường hơn 4.568 tỷ đồng.

Đến nay, huyện Tây Sơn là địa phương đầu tiên hoàn thành công tác GPMB.

Ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, cho biết: Phần đường thuộc dự án đi qua huyện Tây Sơn dài 10,75 km, đến nay việc GPMB phần đường này đã cơ bản hoàn thành, các đơn vị đã làm xong đường công vụ. 59 hộ ở các xã Bình Thuận, Tây Vinh đã tiến hành xây dựng nhà tại các khu tái định cư (TĐC) và tháo dỡ, bàn giao xong toàn bộ mặt bằng. Cả phần diện tích bổ sung do chủ đầu tư điều chỉnh cọc mốc GPMB, tổ công tác cũng đã làm xong các thủ tục cần thiết, chi trả tiền đền bù, hỗ trợ cho 236 hộ dân bị ảnh hưởng, bàn giao xong phần mặt bằng này cho đơn vị thi công vào cuối tháng 11.2023.

Ở TP Quy Nhơn, để đẩy nhanh tiến độ GPMB, Bí thư Thành ủy Quy Nhơn Nguyễn Văn Dũng trực tiếp kiểm tra đột xuất công tác GPMB dự án 2 lần/tháng tại phường Bùi Thị Xuân, xã Phước Mỹ. Cả hệ thống chính trị thành phố đã vào cuộc quyết liệt để hoàn thành công tác bồi thường GPMB bàn giao cho Ban QLDA 85 đúng yêu cầu.

Từ ngày 3.7 đến nay, UBND TP Quy Nhơn tiến hành cưỡng chế 10 đợt, thu hồi đất với 59 hộ ở phường Bùi Thị Xuân. Đây là địa phương duy nhất trong tỉnh phải tiến hành cưỡng chế để GPMB.

UBND TP Quy Nhơn tiến hành cưỡng chế các hộ dân không thực hiện bàn giao mặt bằng dự án. Ảnh: H.YẾN

Ông Nguyễn Công Vịnh, Phó Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn, cho biết: Tổ bồi thường GPMB đến từng nhà dân rà hồ sơ và đối chiếu quy định của Nhà nước để tuyên truyền vận động người dân bàn giao đất phục vụ dự án. Tuy nhiên chỉ có 49/59 hộ tự tháo dỡ trước “giờ G”, số còn lại chúng tôi huy động lực lượng hỗ trợ tháo dỡ đúng chỉ giới. Đến chiều 4.12, chúng tôi cưỡng chế tháo dỡ xong phần còn lại, đảm bảo đúng hạn bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.

Tiếp tục gỡ khó

Quyết liệt chỉ đạo các địa phương trong công tác GPMB, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng đã ký ban hành văn bản 761-CV/TU ngày 27.11, yêu cầu làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ, phân tích nguyên nhân chậm trễ công tác bồi thường GPMB. Dù vậy, đến nay các địa phương vẫn còn “mắc kẹt” với 103 hộ và 1 tổ chức, dù chỉ chiếm hơn 0,1% tổng số hộ trong diện phải GPMB nhưng lại gây khó khăn rất lớn cho các địa phương; khả năng trễ hạn so với mốc thời gian ngày 31.12 của Thủ tướng Chính phủ đề ra rất cao.

Trong số 103 hộ kể trên, huyện Hoài Ân có 26 hộ, TX An Nhơn có 16 hộ, huyện Tuy Phước có 8 hộ và 1 tổ chức, TX Hoài Nhơn có 4 hộ, huyện Phù Cát có 2 hộ, đều là những hộ chưa thống nhất nhận tiền và bàn giao mặt bằng; huyện Phù Mỹ có 47 hộ tuy đã tháo dỡ một phần diện tích các công trình phụ, tường rào, nhưng phần nhà ở vẫn chưa tháo dỡ.

Lý giải về sự trễ nải này, ông Nguyễn Xuân Phong, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hoài Ân, cho biết: Nguyên nhân chính là các xã, thị trấn trong huyện đang sử dụng Bản đồ 299. Đây là bản đồ phân loại đất theo Chỉ thị 299/TTg ngày 10.11.1980 của Thủ tướng Chính phủ về công tác đo đạc, phân hạng, đăng ký ruộng đất trong cả nước. Bản đồ này được lập trên địa bàn huyện từ năm 1985, quá lạc hậu, không đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về đất đai hiện nay, nhất là công tác đo đạc, xác nhận nguồn gốc đất để bồi thường, hỗ trợ GPMB.

Tại TX An Nhơn, để tạo thuận lợi cho người dân trong khu vực bị ảnh hưởng của dự án, chính quyền đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ. Ông Bùi Văn Cư, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TX An Nhơn, cho biết: Ví dụ có trường hợp 4 hộ xây dựng nhà trên đất khai hoang sau năm 2014, UBND thị xã điều chỉnh cục bộ quy hoạch khu TĐC từ 90 m2/lô còn 72 m2/lô để các hộ đủ điều kiện nộp tiền theo giá thị trường. Đối với các hộ có tổng giá trị bồi thường nhỏ hơn số tiền phải nộp đối với diện tích được giao, bằng nguồn xã hội hóa vận động từ DN tại địa phương và vay tại Ngân hàng CSXH TX An Nhơn, UBND thị xã hỗ trợ thêm để họ có đủ tiền nộp tiền sử dụng đất, bảo đảm mau chóng ổn định đời sống. Với những trường hợp xây dựng nhà trên đất khai hoang trước ngày 1.7.2014 nhưng không nhận, cho rằng mức hỗ trợ thấp, chúng tôi rà soát hồ sơ cưỡng chế thu hồi đất.

Bên cạnh những giải pháp tạo điều kiện để quyền lợi của người dân được ghi nhận đầy đủ, các địa phương đang chuẩn bị phương án tổ chức cưỡng chế thu hồi đất đối với các hộ không chấp hành để kịp mốc thời gian bàn giao mặt bằng, đảm bảo chấp hành đúng mốc thời gian ngày 31.12 của Thủ tướng Chính phủ đề ra. 

Đến nay, công tác bồi thường, GPMB và xây dựng khu TĐC phục vụ dự án cao tốc Bắc - Nam vẫn còn nhiều tồn tại, gây ảnh hưởng xấu, làm chậm tiến độ chung. Tôi yêu cầu các địa phương tập trung giải quyết đơn khiếu nại, kiến nghị của các hộ dân, trong đó giải quyết dứt điểm các nội dung kiến nghị chính đáng theo đúng quy định hiện hành. Đồng thời, khẩn trương rà soát phân loại các trường hợp vướng mắc và các hộ dân cố tình không chấp hành phương án bồi thường GPMB, bố trí tái định cư đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, củng cố hồ sơ, thủ tục, lập và triển khai cưỡng chế (hoặc bảo vệ thi công), để đảm bảo hoàn thành bàn giao toàn bộ mặt bằng sạch trước ngày 31.12.2023

Tác giả bài viết: baobinhdinh.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây