Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Ðông: Ðến ngày 15.11 xử lý dứt điểm vướng mắc về mặt bằng

Thứ ba - 31/10/2023 09:14

Đó là yêu cầu của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng tại Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) và tái định cư phục vụ Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Ðông, giai đoạn 2021 - 2025 đoạn đi qua địa bàn tỉnh Bình Định, vào chiều 30.10.

Vẫn còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết

Báo cáo của các sở, ngành của tỉnh và 8 địa phương thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng phục vụ Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Ðông, giai đoạn 2021 - 2025 đoạn đi qua địa bàn tỉnh Bình Định cho thấy, đã giao cho chủ đầu tư 115,58 km tuyến chính, với diện tích 934,3 ha, đạt 98%. Các địa phương đã xây dựng 39 khu tái định cư (TĐC), trong đó 22 khu đã hoàn thành, phần còn lại cũng đạt trên 95% khối lượng thi công; đã giao đất cho 861 hộ TĐC, đạt 97,3%. Tiến độ xây dựng khu cải táng; di dời mồ mả; di dời hệ thống hạ tầng kỹ thuật; tiến độ giải ngân cũng đạt kết quả tốt hơn so với trước. Tuy vậy, vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được xử lý dứt điểm.

Nhà thầu thi công đoạn tuyến thuộc Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông phần đi qua huyện Phù Mỹ. Ảnh: TIẾN SỸ

Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở GTVT, hiện nay còn 17 khu TĐC chưa hoàn thành (TX Hoài Nhơn có 12/12 khu, Tây Sơn 1/2 khu, An Nhơn 2/2 khu, Tuy Phước 1/4 khu, TP Quy Nhơn 1/1 khu). Ngoài ra, có 2 khu TĐC mới khác tại huyện Hoài Ân, Phù Mỹ được điều chỉnh bổ sung đang tiến hành xây dựng. TX An Nhơn, huyện Tuy Phước và TP Quy Nhơn cũng chưa hoàn thành việc giao đất TĐC cho dân; một số địa phương chưa hoàn thành di dời hệ thống hạ tầng kỹ thuật trên tuyến chính. Phía chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án 2, Ban Quản lý dự án 85 (Bộ GVTV) cũng chưa phối hợp tốt với ngành chức năng của tỉnh và các địa phương để giải quyết những vướng mắc phát sinh. Chẳng hạn việc phối hợp làm việc với Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam để sớm có văn bản thỏa thuận nộp tiền trồng rừng thay thế, làm cơ sở cho UBND tỉnh phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng rừng theo đúng quy định; việc bổ sung hệ thống đường gom, hào cống kỹ thuật cắt qua đường bộ cao tốc Bắc - Nam cũng chưa được các ban giải quyết… 

Nhiều địa phương cho rằng, công tác đền bù, GPMB, xây dựng khu TĐC và giao đất cho người dân TĐC chưa đúng kế hoạch một phần là do Ban Quản lý dự án 85 cấp không đủ tiền để đền bù cho dân.

Ông Nguyễn Ngọc Xuân, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước cho biết: “Khi dân đã đồng thuận nhận tiền đền bù, mình chậm một ngày là không thể được. Để xử lý tình huống, huyện phải tạm ứng kinh phí của các dự án khác chi trả cho dân!”.

Đại diện các huyện Hoài Ân, Tây Sơn, Phù Mỹ, Phù Cát đề nghị chủ đầu tư tiếp tục phối hợp với địa phương kiểm tra, rà soát từng trường hợp cụ thể đối với các hộ bị giải tỏa một phần đất ở, nhà ở và có phần diện tích còn lại của thửa đất ở nằm ngoài phạm vi mốc GPMB (thuộc phạm vi hành lang an toàn đường cao tốc theo quy định từ cọc mốc GPMB trở ra mỗi bên từ 17 - 20 m) để tham mưu đề xuất cơ quan có thẩm quyền quyết định thu hồi.

Hơn nữa, chủ đầu tư cũng cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, chỉ đạo các nhà thầu thi công và các đơn vị liên quan thực hiện đầy đủ các biện pháp giảm thiểu tác động đến hệ thống đường địa phương, sửa chữa kịp thời các hư hỏng trong quá trình thi công, tuân thủ quy định về tải trọng, tốc độ, vệ sinh môi trường, đảm bảo ATGT.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng (thứ ba từ trái sang) kiểm tra công tác phòng chống thiên tai tại công trường thi công đoạn tuyến thuộc Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phần đi qua huyện Hoài Ân.
Ảnh: TIẾN SỸ

Đến ngày 15.11 xử lý dứt điểm vướng mắc về mặt bằng

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng chỉ rõ, dù chỉ còn 2% mặt bằng tuyến chính nhưng khối lượng công việc còn lại rất lớn, nhất là đối với TX An Nhơn, TX Hoài Nhơn, huyện Tuy Phước và TP Quy Nhơn. Vì vậy, các sở, ngành và địa phương cần phải nỗ lực, quyết tâm cao hơn; phải tập trung xử lý để đến ngày 15.11.2023, tất cả các trường hợp có vướng mắc liên quan đến công tác đền bù, GPMB phải xử lý dứt điểm. Những vướng mắc nào liên quan đến đất đai vượt quá thẩm quyền của địa phương thì báo cáo cụ thể về tỉnh.
Sở TN&MT chịu trách nhiệm tiếp nhận và trả lời dứt điểm cho các địa phương, không để kéo dài thêm. Những vấn đề khác thuộc thẩm quyền của các sở, ngành, UBND tỉnh, cũng phải chuyển nhanh để xử lý kịp thời.

Đối với việc giao đất TĐC cho người dân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng yêu cầu khẩn trương hoàn thành, đến ngày 15.11 phải giao đất ngoài thực địa cho dân đạt 100%; hộ dân nào không chấp hành thì lập biên bản, làm cơ sở để thực hiện các giải pháp tiếp theo. Cùng với đó là tập trung xem xét kiến nghị, đơn thư khiếu nại của người dân; hộ nào kiến nghị hợp lý thì phải giải quyết ngay, những trường hợp vướng mắc, khó khăn huyện không giải quyết được thì báo cáo tỉnh để xem xét, chỉ đạo. Có mặt bằng đến đâu, mời Ban Quản lý dự án 85, Ban Quản lý dự án 2 bàn giao đến đó; đồng thời hỗ trợ chủ đầu tư, đơn vị thi công trong việc thỏa thuận giá đền bù khu vực mỏ vật liệu, mỏ đất đắp với người dân.

Ban Giải phóng mặt bằng tỉnh phải hoàn thiện hồ sơ thủ tục pháp lý liên quan lĩnh vực viễn thông, đảm bảo đến ngày 15.11 trình UBND tỉnh phê duyệt, để các chủ đầu tư tổ chức di dời hạ tầng kỹ thuật phục vụ thi công dự án. Bên cạnh đó, phối hợp với Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh thuê đơn vị tư vấn xác định giá vật tư, vật liệu để định giá đối với những hạng mục công trình đã được nhà nước đền bù, bồi thường.

Đối với Ban Quản lý dự án 2, Ban Quản lý dự án 85, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng đề nghị phối hợp chặt chẽ với các địa phương để giải quyết những vướng mắc phát sinh; linh hoạt tìm mỏ đất đã được UBND tỉnh giới thiệu, không thể cứ viện cớ khó khăn về mỏ đất như lâu nay. Bình Định đảm bảo không thiếu đất, không thiếu cát để thực hiện dự án. Các đơn vị cũng phải báo cáo, đề xuất với Bộ GTVT làm việc với Bộ NN&PTNT sớm có văn bản thỏa thuận nộp tiền trồng rừng thay thế để làm cơ sở cho UBND tỉnh phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đúng quy định đối với mỏ vật liệu. Bên cạnh đó, cấp đủ kinh phí cho các địa phương thực hiện công tác đền bù, GPMB, xây dựng các khu TĐC. Những đoạn đường đã có 100% mặt bằng sạch thì đôn đốc các nhà thầu thi công. Ban Quản lý dự án 2 và Ban Quản lý dự án 85 phải chịu trách nhiệm quản lý các mỏ vật liệu, các nhà thầu thi công, không được làm thất thoát tài nguyên. Trong quá trình thi công yêu cầu nhà thầu đảm bảo đúng tải trọng, vệ sinh môi trường và an toàn cho người dân, có kế hoạch sửa chữa các tuyến đường ở địa phương bị hư hỏng do vận chuyển vật liệu làm đường cao tốc; đồng thời triển khai các giải pháp phòng chống sạt lở, chống ngập úng trong mùa mưa…

Tác giả bài viết: baobinhdinh.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây