Nhân kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 - 19.5.2022), sáng nay 19.5, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức Lễ dâng hoa Tượng đài Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành (TP Quy Nhơn).
Lễ dâng hoa được tổ chức trang trọng. Ảnh: H.THU |
Tham dự lễ có các đồng chí: Hồ Quốc Dũng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; Lê Kim Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Phi Long - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Thị Phong Vũ - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; cùng các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.
Các đồng chí Hồ Quốc Dũng (hàng đầu, đứng giữa), Lê Kim Toàn (bên trái) Nguyễn Phi Long (bên phải) dâng hoa tại Tượng đài Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành. Ảnh: H.THU |
Tại buổi lễ, các đại biểu thành kính dâng hoa, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc – thân sinh của Người.
Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ra và lớn lên trong gia đình nhà nho yêu nước, ở một giai đoạn lịch sử đầy biến động của đất nước. Chứng kiến cảnh nước mất nhà tan, Người sớm hun đúc hoài bão cứu nước cứu dân. Trên hành trình tìm đường cứu nước, khoảng trung tuần tháng 5.1909, Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi ấy lấy tên là Nguyễn Tất Thành, vào Bình Định, sau đó khoảng tháng 8.1910 rời Bình Định đi vào Phan Thiết (Bình Thuận) làm giáo viên trường Dục Thanh...
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dự lễ dâng hoa. Ảnh: H.THU |
Bình Định rất tự hào được cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc về làm quan tri huyện Bình Khê, là nơi người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành từng sinh sống và học tập. Thời gian ở Bình Định, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã đến nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người trên vùng đất “địa linh nhân kiệt” lắng đọng nhiều tinh hoa văn hóa, vang dội nhiều chiến công của phong trào khởi nghĩa Tây Sơn và anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung - Nguyễn Huệ. Tuy thời gian không dài nhưng vùng đất và con người Bình Định đã ghi dấu ấn quan trọng, góp phần hình thành nên tư tưởng, ý chí cứu nước cứu dân của Nguyễn Tất Thành. Mảnh đất Bình Định còn là nơi diễn ra cuộc chia tay lịch sử giữa hai cha con Nguyễn Sinh Sắc và Nguyễn Tất Thành. Từ đó, Nguyễn Tất Thành bước vào cuộc trường chinh vạn dặm đầy gian khổ tìm đường cứu nước.
Tác giả bài viết: baobinhdinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn