Kết quả giám sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về Bảo hiểm y tế đối với đồng bào dân tộc thiểu số từ ngày 01/01/2021 đến 30/9/2023

Thứ ba - 06/02/2024 10:09
Thực hiện Chương trình giám sát năm 2023 của HĐND tỉnh, Ban Dân tộc HĐND tỉnh đã tiến hành giám sát chuyên đề “Tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về Bảo hiểm y tế đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) từ ngày 01/01/2021 đến 30/9/2023”.
Thực hiện Luật Bảo hiểm Y tế, Nghị định số 146/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế; HĐND,UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và đưa chỉ tiêu Bảo hiểm Y tế (BHYT) vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, 05 năm của tỉnh để các cấp chính quyền địa phương và các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện.
Thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, một bộ phận người dân không còn được hưởng ngân sách nhà nước cấp thẻ BHYT do địa bàn thụ hưởng có sự thay đổi so với Quyết định 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ, BHXH tỉnh đã chủ động phối hợp với UBND các huyện liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến tận thôn, làng,... bằng nhiều hình thức phù hợp nhằm vận động người dân tham gia BHYT. Các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan trong tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ đã ban hành các văn bản để chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện chính sách BHYT trong vùng đồng bào DTTS được kịp thời, phù hợp với quy định của pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT tại địa phương, góp phần giảm bớt gánh nặng chi phí khám, chữa bệnh, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân đồng bào DTTS, vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh. 
Qua giám sát, việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT đối với đồng bào DTTS đã đạt được kết quả như:
(1) Công tác phát triển người tham gia BHYT: Năm 2021: Số người DTTS tham gia BHYT là 17.154 người, chiếm 41,5% so với tổng số người là DTTS trong tỉnh (41.297 người); Năm 2022: Số người DTTS tham gia BHYT là 14.274 người, chiếm 34,44% so với tổng số người là DTTS trong tỉnh (41.445 người); Đến ngày 30/9/2023: Số người DTTS tham gia BHYT là 16.114 người, chiếm 38,42% so với tổng số người là DTTS trong tỉnh (41.928 người);
Nhìn chung, số người tham gia BHYT toàn tỉnh hằng năm đều tăng, năm sau tăng cao hơn năm trước, luôn đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết của HĐND tỉnh và UBND tỉnh giao hằng năm. Tuy nhiên, đối với số người tham gia BHYT là người đồng bào DTTS các năm sau giảm hơn so với năm 2021 là do tác động của Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc nên một bộ phận người DTTS không còn được Nhà nước tiếp tục hỗ trợ tham gia BHYT;
Việc thay đổi chính sách nêu trên đã làm ảnh hưởng rất lớn đến số đối tượng không còn được Nhà nước đóng, hỗ trợ đóng BHYT. Với mức thu nhập bình quân của hộ đồng bào DTTS hiện nay thấp, nếu không được cấp thẻ BHYT thì chi phí dành cho khám chữa bệnh sẽ là gánh nặng của gia đình; nhiều người DTTS không có điều kiện tiếp cận và thụ hưởng chính sách BHYT, ảnh hưởng đến sức khỏe, kinh tế của gia đình, nguy cơ dẫn đến phát sinh hộ nghèo và tái nghèo cao, ảnh hưởng đến chính sách giảm nghèo bền vững và chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện chính sách đặc thù của địa phương theo Nghị quyết số 39/2022/NQ-HĐND ngày 10/12/2022 của HĐND tỉnh Quy định một số chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Định, ngân sách tỉnh đã hỗ trợ 20 thẻ BHYT cho người đồng bào DTTS thuộc hộ cận nghèo chưa có thẻ BHYT với số tiền 7,2 triệu đồng.
(2). Công tác triển khai cấp thẻ BHYT và phân bổ thẻ khám chữa bệnh BHYT
Hàng năm, BHXH tỉnh phối hợp với UBND huyện chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tiến hành rà soát, thống kê đối tượng người DTTS thuộc diện được cấp thẻ BHYT đề cấp thẻ kịp thời, đúng đối tượng, 100% người tham gia đều được cấp thẻ BHYT, đảm bảo quyền lợi thụ hưởng;
Định kỳ hàng tháng, các địa phương tổ chức rà soát, lập danh sách các trường hợp phát sinh tăng mới hoặc phát sinh giảm do: Chết, chuyển đi nơi khác, tham gia đối tượng khác… đề nghị cơ quan BHXH tăng, giảm theo quy định. BHXH tỉnh thường xuyên rà soát tất cả các đối tượng tham gia BHYT trùng ngày, tháng, năm sinh, Căn cước công dân, họ tên, một mã số BHXH cấp cho nhiều người, một người nhiều mã số… nên việc trùng thẻ BHYT của người tham gia cơ bản không có. Mặt khác, do việc phối hợp kiểm tra, rà soát kỹ đối tượng tham gia BHYT ngay từ khi phát sinh tăng mới và cấp thẻ BHYT nên việc cấp lại thẻ BHYT (do sai thông tin trên thẻ BHYT) rất ít, đa số chỉ cấp lại thẻ BHYT do hỏng hoặc bị mất cho người tham gia.
Việc phân bổ thẻ BHYT cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện theo sự thống nhất hằng năm giữa Sở Y tế và BHXH tỉnh. Riêng đối tượng người đồng bào DTTS ở huyện nào thì đăng ký khám chữa bệnh (KCB) ở đó và do địa phương lập danh sách đề nghị.
(3). Công tác khám chữa bệnh (KCB) đối với người DTTS thuộc nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ đóng BHYT
Trên địa bàn tỉnh có 38 cơ sở y tế ký hợp đồng KCB BHYT (gồm: 24 cơ sở KCB công lập và 14 cơ sở KCB ngoài công lập); trong đó có 01 bệnh viện tuyến Trung ương, 08 bệnh viện tuyến tỉnh, 15 Trung tâm Y tế tuyến huyện[1], 04 bệnh viện tư nhân, 10 phòng khám đa khoa.
Từ đầu năm 2021 đến tháng 9/2023, các cơ sở y tế đã thực hiện KCB cho 33.697 lượt đối tượng là người DTTS thuộc nhóm được ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ đóng BHYT với tổng số tiền là 17.645,89 triệu đồng. Trong đó, số lượt KCB đúng tuyến 26.538 lượt; số lượt KCB thông tuyến 4.753 lượt; số lượt KCB chuyển tuyến 2.210 lượt; số lượt KCB không đúng tuyến 220 lượt.
Tổng chi thanh toán KCB BHYT chung là 17.661 triệu đồng, trong đó; tuyến Trung ương hoặc đa tuyến là 121,2 triệu đồng, tuyến tỉnh và tương đương là 8.754,23 triệu đồng, tuyến huyện và tương đương là 7.741,92 triệu đồng, tuyến xã là 1.044,51 triệu đồng.
Tổng số tiền đóng BHYT cho các đối tượng là người DTTS thuộc nhóm được ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ đóng BHYT từ năm 2021 đến tháng 9/20233.726.939 triệu đồng; trong đó quỹ BHYT được sử dụng là 35.203 triệu đồng. Tổng chi quỹ BHYT từ năm 2021 đến tháng 9/202317.662 triệu đồng; trong đó, chi khám chữa bệnh nội trú là 13.991 triệu đồng; chi khám chữa bệnh ngoại trú là 3.671 triệu đồng.
(4). Công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện các quy định về BHYT
Từ năm 2021 đến nay, ngành BHXH tỉnh đã tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc triển khai công tác KCB BHYT tại các cơ sở KCB BHYT. Trong đó, đã thực hiện kiểm tra việc thực hiện hợp đồng KCB BHYT tại 21 cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đã phát hiện các vi phạm trong việc thanh toán KCB BHYT, thu hồi về quỹ BHYT với số tiền là 3.033.910.157 đồng. Tuy nhiên, BHXH tỉnh chưa tổ chức kiểm tra chuyên đề riêng về công tác KCB đối với người DTTS có thẻ BHYT khi đi KCB BHYT.
Việc cải cách thủ tục hành chính trong khám chữa bệnh BHYT: Ngoài tiếp nhận KCB bằng thẻ BHYT (giấy) và các giấy tờ có liên quan; hiện nay, các cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh tiếp nhận thẻ BHYT trên ứng dụng VssID, ứng dụng định danh điện tử quốc gia của Bộ Công an (VNeID), Căn cước công dân có gắn chíp để thực hiện việc KCB đối với người dân và người lao động, đảm bảo đầy đủ quyền lợi theo quy định.
Công tác khám, chữa bệnh, cấp thuốc, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT được thực hiện đầy đủ, đúng theo quy định. Tại mỗi bệnh viện hoặc phòng khám điều có cán bộ giám định BHYT của ngành BHXH thường trực, thực hiện giám định chặt chẽ đúng theo quy trình giám định BHYT của ngành BHXH.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT đối với đồng bào DTTS còn một số tồn tại: (1) Việc phối hợp tuyên truyền từng lúc, từng nơi còn hạn chế do các cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực sự quan tâm đúng mức đến công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách BHYT và xem đây là trách nhiệm của ngành BHXH; một bộ phận người dân nhận thức chưa đầy đủ tính ưu việt của chính sách, pháp luật về BHYT, vẫn còn tâm lý trông chờ vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước nên chưa tự giác tham gia; (2) Quá trình triển khai thu thập thông tin số định danh cá nhân/căn cước công dân còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc xác định số định danh (toàn tỉnh đã xác thực được 1.395.084 thông tin nhân khẩu có trong cơ sở dữ liệu  quốc gia về Bảo hiểm với cơ sở dữ liệu  quốc gia về dân cư, đạt 98,43% trên tổng số người tham gia; còn 22.223 người tham gia chưa được đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư); (3) Tình trạng người dân đi khám, chữa bệnh không mang thẻ, thiếu thủ tục như giấy tờ tùy thân có ảnh, giấy chuyển viện..., gây trở ngại trong khâu tiếp nhận vào viện; người dân đồng bào DTTS ít quan tâm đến việc bảo quản thẻ  BHYT nên thường bị rách, mờ, gây khó khăn cho việc tra cứu và nhận dữ liệu vào hệ thống giám định BHYT..., do đó phải đến BHXH huyện cấp lại, vừa không đảm bảo tính kịp thời cho người bệnh, vừa tăng khối lượng công việc; (4) Còn tình trạng bệnh nhân vượt lên tuyến trên (220 lượt người), phần nào gây quá tải và áp lực cho cả nhân viên y tế thuộc các cơ sở y tế thuộc tuyến trên; theo đó làm tăng chi phí cho người bệnh và cũng làm giảm nguồn chi của cơ sở y tế tuyến dưới.
Để thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT đối với đồng bào DTTS đạt được hiệu quả hơn trong thời gian tới, Đoàn giám sát đề nghị: (1) UBND tỉnh xem xét, đề xuất cơ chế chính sách hỗ trợ cấp thẻ BHYT cho người DTTS chưa tham gia BHYT (ngoài các đối tượng do ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ một phần mức đóng); (2) Sở Y tế xem xét tăng cường, bổ sung bác sĩ tuyến tỉnh về hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật cho các Trung tâm Y tế các huyện Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão; đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với ứng dụng công nghệ thông tin; thường xuyên quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng đảm bảo có đủ nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân; quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng đảm bảo có đủ nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu chuyên môn của cán bộ y tế tuyến xã, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi; tăng cường đầu tư xây dựng, cải tạo, mở rộng cơ sở hạ tầng và đầu tư trang thiết bị y tế cho các cơ sở khám chữa bệnh công lập; (3) Công an tỉnh chỉ đạo Công an các địa phương phối hợp với cơ quan BHXH cùng cấp tiến hành rà soát, xác minh, làm sạch thông tin người tham gia đảm bảo 100% người tham gia được cập nhật số định danh cá nhân/căn cước công dân và được xác thực đúng với cơ sở d liệu quốc gia về dân cư kịp thời và đúng quy định; triển khai thông báo số định danh cá nhân cho những người chưa được cấp căn cước công dân; (4) UBND các huyện Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão, Hoài Ân, Phù Cát và Tây Sơn: Chủ động phối hợp với BHXH tỉnh rà soát đối tượng là người DTTS đang sinh sống tại địa bàn các xã khu vực II, III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2016 - 2020 mà các xã này không còn trong danh sách các xã khu vực II, III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn huyện theo Nghị định số 75/2023/NĐ-CP ngày 19/10/2023 của Chính phủ để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, hỗ trợ mức đóng BHYT; tăng cường chỉ đạo đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thống kê, lập danh sách đối tượng người DTTS tham gia BHYT đảm bảo kịp thời, thống nhất thông tin cá nhân của công dân với các giấy tờ của cá nhân có liên quan, hạn chế tình trạng sai sót thông tin thẻ BHYT; chủ động phối hợp với Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm y tế các huyện làm tốt hơn nữa công tác chỉ đạo, hướng dẫn các trạm y tế xã phát huy cơ sở vật chất, trang thiết bị đã được đầu tư, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đề nâng cao chất lượng và tăng dần tỷ lệ danh mục dịch vụ kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân./.
 
[1] Trong đó: có 159 trạm y tế xã, phường.

Tác giả bài viết: Vũ Hùng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây