Kết quả 01 năm thực hiện Nghị quyết về Quy định một số chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh

Thứ ba - 06/02/2024 10:07
Thực hiện Nghị quyết 39/2022/NQ-HĐND ngày 10/12/2022 của HĐND tỉnh về Quy định một số chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh (Nghị quyết 39), UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 84/2022/QĐ-UBND ngày 20/12/2022 Quy định một số chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Định, Kế hoạch số 55/KH-UBND ngày 22/3/2023 để triển khai thực hiện các chính sách đặc thù của địa phương đến với học sinh, người dân là đồng bào DTTS;
Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, các ngành liên quan cũng đã ban hành nhiều văn bản liên quan để tổ chức triển khai, hướng dẫn thực hiện, như: Ban Dân tộc hướng dẫn việc triển khai thực hiện một số chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; Bảo hiểm xã hội tỉnh hướng dẫn việc thực hiện cấp thẻ BHYT cho người đồng bào dân tộc thiểu số thuộc hộ gia đình cận nghèo trên địa bàn tỉnh; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn việc thực hiện chính sách trợ giá sử dụng giống lúa lai vụ Hè Thu năm 2023; Sở Tài chính hướng dẫn việc triển khai thực hiện một số chính sách sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh;
Kết quả việc triển khai, thực hiện một số chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh như sau:
(1). Chính sách cấp không thu tiền muối i-ốt: Số lượng muối đã cấp: 251.568 kg, cho 41.928 người/11.510 hộ, kinh phí thực hiện 1.541.608.704 đồng đạt 100% kế hoạch, hoàn thành giải ngân 100% vốn được giao. Chính sách hỗ trợ muối i-ốt góp phần cấp muối đảm bảo chất lượng, hạn chế các loại muối kém chất lượng xâm nhập trên thị trường. Qua đó, đem lại hiệu quả tích cực trong việc phòng, chống bệnh bướu cổ cho người đồng bào dân tộc thiểu số.
(2). Chính sách hỗ trợ học sinh đi học: Số học sinh người dân tộc thiểu số đang học trên địa bàn các huyện Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão, Hoài Ân, Tây Sơn và Phù Cát được hưởng hỗ trợ: 6.952 học sinh (trong đó: Hỗ trợ học sinh mẫu giáo, mầm non người dân tộc thiểu số là 71 học sinh; hỗ trợ học sinh dân tộc thiểu số đang học ở các cơ sở bán trú, nội trú ở các thôn, xã đặc biệt khó khăn là 184 học sinh;  hỗ trợ học sinh dân tộc thiểu số đang học ở các trường phổ thông là 5.024 học sinh; hỗ trợ học sinh dân tộc thiểu số đang học bán trú là 1.673 học sinh); kinh phí hỗ trợ được giao 15.544.452.400 đồng; kinh phí đã thực hiện 13.393.257.000 đồng; Chính sách hỗ trợ học sinh đi học góp phần đảm bảo về điều kiện học tập, sinh hoạt cho học sinh người dân tộc thiểu số; chế độ ăn uống đáp ứng yêu cầu về dinh dưỡng; giảm bớt gánh nặng chi phí học tập; duy trì tỷ lệ học sinh đến lớp, ngăn chặn tình trạng bỏ học giữa chừng, góp phần đảm bảo nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.
(3).Chính sách trợ giá sử dụng giống lúa lai: Trong năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 5/6 huyện triển khai thực hiện chính sách trợ giá sử dụng giống lúa lai. Tổng số hộ thụ hưởng 7.092 hộ, với tổng diện tích 1.630,78 ha, trong đó: kinh phí tỉnh hỗ trợ: 2.340.494.530 đồng; kinh phí các huyện hỗ trợ: 2.308.514.380 đồng; tổng kinh phí thực hiện: 4.649.008.910 đồng; Tây Sơn là địa phương duy nhất có mức trợ giá giống lúa lai sử dụng từ nguồn ngân sách huyện hỗ trợ vượt so với tỷ lệ quy định, chiếm tỷ lệ 85% (theo quy định là 50%) tổng kinh phí thực hiện;
Qua 01 năm triển khai thực hiện chính sách, sản lượng lúa lai vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã tăng đáng kể so với giống lúa thuần chủng trước đây, năng suất bình quân đạt 65 tạ/ha tăng 13 tạ/ha; vấn đề lương thực tại chỗ được giải quyết, góp phần ngăn chặn nạn phá rừng làm nương rẫy, từng bước thay đổi nhận thức, tập quán canh tác, giúp người đồng bào dân tộc thiểu số có cuộc sống ổn định hơn.
(4).Chính sách hỗ trợ người có uy tín: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 121 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có 70/121 người được thụ hưởng chính sách hỗ trợ người có uy tín theo Quyết định số 84/2022/QĐ-UBND (hỗ trợ 500 nghìn đồng/tháng); kinh phí thực hiện: 348.500.000 đồng; Chính sách hỗ trợ người có uy tín thời gian qua đã phát huy hiệu quả vai trò của người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh trong công tác tuyên truyền, vận động thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
(5).Chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế: Thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế cho người đồng bào dân tộc thiểu số thuộc hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh, đã giúp cho các hộ cận nghèo người dân tộc thiểu số (do không thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trị tại Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực I, II, III thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025), được tiếp tục sử dụng bảo hiểm y tế. Trong năm 2023, có 20 người (Vân Canh: 02 người; Hoài Ân: 02 người; Tây Sơn: 04 người; Phù Cát: 12 người) thuộc đối tượng thụ hưởng được hỗ trợ cấp thẻ bảo hiểm y tế, ngân sách tỉnh hỗ trợ hơn 4 triệu đồng. Việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã góp phần giảm bớt gánh nặng chi phí khám, chữa bệnh, nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống cho người dân. Nâng cao tỷ lệ người đồng bào dân tộc thiểu số được tham gia bảo hiểm y tế, đảm bảo công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện một số chính sách, pháp luật đối với đồng bào dân tộc thiểu số còn một số tồn tại, hạn chế đó là: (1) Đối với Chính sách trợ giá sử dụng giống lúa lai: Đến nay, còn một huyện (Hoài Ân) chưa triển khai thực hiện chính sách, do UBND huyện ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện chậm; (2) Chính sách hỗ trợ học sinh đi học: Đến nay, tổng số kinh phí đã thực hiện là 13.393.257.000 đồng (kinh phí hỗ trợ được giao 15.544.452.400 đồng), đạt tỷ lệ: 86%, do hỗ trợ học sinh theo năm học; (3) Chính sách hỗ trợ người có uy tín: Còn 03/121 người có uy tín trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh chưa được hỗ trợ (xã Vĩnh Hiệp 01 người, xã Vĩnh Thịnh 02 người), do các xã này thực hiện chế độ cấp 01 lần/năm (theo quy định là cấp hàng tháng).
Để Nghị quyết số 39 đạt được hiệu quả hơn, Ban Dân tộc HĐND tỉnh đề nghị: Ban Dân tộc tỉnh cần tăng cường công tác kiểm tra việc triển khai thực hiện các chính sách nhằm đảm bảo đúng đối tượng, tránh trùng lặp, phối hợp với Sở Tài chính rà soát đối tượng hỗ trợ theo chính sách là già làng, tránh trùng lặp đối tượng thụ hưởng là người có uy tín. Đồng thời, đề nghị UBND các huyện Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão, Hoài Ân, Tây Sơn và Phù Cát hằng năm, sớm xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai Nghị quyết đảm bảo các chế độ, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh được thực hiện kịp thời, đúng đối tượng, địa bàn, nhất là việc hỗ trợ giống lúa lai phải đảm bảo đúng mùa vụ, thực hiện chi hỗ trợ kinh phí cho người có uy tín định kỳ hàng tháng theo quy định./.

Tác giả bài viết: Vũ Hùng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây