Hứng chịu liên tiếp 5 cơn lũ lớn, huyện Tuy Phước bị thiệt hại nặng về nhiều mặt. Ổn định đời sống nhân dân, khắc phục tạm thời hậu quả mưa lũ đối với kết cấu hạ tầng, ổn định sản xuất, là những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách hiện nay của huyện Tuy Phước.
Tuy Phước tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ

Ông Nguyễn Văn Nhâm, Chủ tịch UBND xã Phước Hòa - xã bị thiệt hại nặng nhất, cho biết, đến hết ngày 19.12, nhiều vùng thấp trong xã vẫn còn ngập nước, toàn xã có 238 nhà sập hoàn toàn, 13 nhà bị hư hỏng, 1.700 m đê bao ngăn mặn bị sạt lở, đường giao thông sạt lở 1.660 m, nhiều đoạn đê sông bị vỡ, sạt lở, cầu Huỳnh Đông ở Huỳnh Giản - Phước Hòa bị cuốn trôi gây chia cắt cục bộ 440 hộ dân thuộc thôn Huỳnh Giản Nam... Ước tính tổng thiệt hại trên 18 tỉ đồng.

Theo thống kê, đến ngày 19.12, toàn huyện Tuy Phước có 5 người chết, 534 nhà bị sập hoàn toàn, 32 nhà bị tốc mái, hư hỏng, gần 4.000 m đê sông và 1.500 m đê biển bị sạt lở, xâm thực; 425 ha lúa Đông Xuân đã gieo sạ bị hư hại. Về giao thông, 3 cầu gỗ bị cuốn trôi; đường huyện từ Phước Hiệp đi Phước Quang bị vỡ đứt 6,5 m gây chia cắt giao thông cục bộ; hơn 100 km đường bê tông giao thông nông thôn bị sạt lở. Ước tổng thiệt hại do 5 đợt lũ gây ra trên địa bàn huyện hơn 90 tỉ đồng, riêng thiệt hại trên lĩnh vực giao thông hơn 8 tỉ đồng. Cũng chưa thể thống kê hết thiệt hại khi hàng ngàn ngôi nhà bị nước ngập sâu, dài ngày gây hư hỏng tài sản của nhân dân.

Với phương châm không để bất kỳ một người dân nào thiếu lương thực, nước uống, huyện đã chủ động ứng phó ngay khi nước lũ đang dâng cao, nguy cấp, tổ chức di dời 57 hộ, 168 nhân khẩu và di dời tại chỗ 872 hộ/3.156 nhân khẩu, đảm bảo an toàn tính mạng của người dân. Huy động các ban ngành, đoàn thể cùng với các nhà hảo tâm, các đoàn cứu trợ tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời các hộ có người bị chết, nhà bị sập; tiếp nhận và chuyển một khối lượng lớn nguồn hàng hỗ trợ từ Trung ương, tỉnh, huyện và các nhà hảo tâm, các đoàn cứu trợ gồm gạo, mì tôm, nước uống, lương khô đến 8.141 hộ/24.432 nhân khẩu ở các xã, thị trấn bị cô lập, ngập nước dài ngày, gia đình có người chết, nhà sập hoàn toàn và các hộ gặp khó khăn với tổng trị giá hơn 2 tỉ đồng.

Khắc phục hậu quả lũ lụt, ổn định dân sinh, khôi phục sản xuất là nhiệm vụ khẩn cấp của các ngành chức năng, hội đoàn thể từ huyện đến các xã, thị trấn. Ông Phan Văn Khiêm, Trưởng phòng NN&PTNT huyện, cho biết: Trước mắt, huyện tập trung cứu nạn, cứu trợ những hộ thiếu đói, khó khăn để đảm bảo không hộ nào bị đói. Huyện đã chỉ đạo các địa phương nước rút đến đâu thì dọn dẹp vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh và ổn định đời sống nhân dân đến đó. Huyện sẽ tập trung khắc phục hệ thống kênh mương nội đồng bị sa bồi thủy phá và khắc phục tạm thời các đoạn đê sông bị vỡ, đê ngăn mặt bị sạt lở để phục vụ sản xuất kịp thời vụ. Khuyến cáo nông dân không ngâm ủ giống vì thời vụ sản xuất lúa hai vụ còn dài, chờ thời tiết ổn định mới gieo sạ. Huyện đã chỉ đạo các xã thống kê thiệt hại, đặc biệt là thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp. Với số diện tích đã gieo sạ bị hư hỏng, huyện sẽ hỗ trợ giống gieo sạ lại, kiên quyết không để nông dân sử dụng thóc thịt làm giống sản xuất.

Vì thiệt hại trên địa bàn huyện quá lớn, huyện đề nghị tỉnh hỗ trợ khắc phục hậu quả lũ lụt và ổn định đời sống của nhân dân; đề nghị lực lượng quân đội  hỗ trợ khắc phục sa bồi đồng ruộng, hệ thống kênh mương bị hư hỏng và đắp các đoạn vỡ lở để phục vụ sản xuất.

Tác giả bài viết: NGÔ HỒNG SƠN

Nguồn tin: Theo Báo Bình Định: